Nhiều xã 'lỡ hẹn' với 'đích' nông thôn mới

Xã Thạch Cẩm chưa có hệ thống nước sạch tập trung, khiến mục tiêu về đích NTM vào cuối năm 2022 trở nên khó khăn hơn.

Hiện nay, 11 huyện miền núi có 58 xã NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Qua đó, góp phần quan trọng làm diện mạo nông thôn miền núi có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, với chỉ tiêu nước sạch tập trung (chỉ tiêu 17.1) theo Quyết định 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã XDNTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2022, nhiều xã ở các huyện miền núi sẽ “lỡ hẹn” với “đích” NTM). Hiện các xã đang loay hoay, chưa có giải pháp “tháo gỡ” chỉ tiêu trong tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm).

Đến xã Thạch Cẩm (Thạch Thành), những ngày này mới cảm nhận được phong trào XDNTM đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người dân tích cực hiến đất mở rộng đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, góp ngày công lao động và một phần kinh phí theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Cùng với đóng góp của Nhân dân xã Thạch Cẩm đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả, đồng bộ chương trình XDNTM với các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác trên địa bàn, nhằm tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Từ năm 2020 đến nay, xã Thạch Cẩm đã huy động được hơn 30 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 7 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa thôn... Phong trào chỉnh trang khu dân cư, làm đường hoa, đường điện sáng được Nhân dân nhiệt tình tham gia, góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn. Năm 2022, xã Thạch Cẩm phấn đấu về đích NTM. Nhưng chỉ tiêu nước sạch (chỉ tiêu 17.1 thuộc tiêu chí 17, môi trường và an toàn thực phẩm) theo tiêu chí mới được ban hành, khiến “con đường” NTM của Thạch Cẩm trở nên xa vời.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND xã Thạch Cẩm, cho biết: Thạch Cẩm là xã miền núi, dân cư sống không tập trung, nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung nằm ngoài khả năng của xã. Bên cạnh đó, việc vận động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư để xây dựng công trình nước sạch tập trung rất nan giải. Xã Thạch Cẩm cách nhà máy nước huyện Thạch Thành 20 km, việc làm hệ thống ống dẫn nước kinh phí rất lớn. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu này và về đích NTM đúng kế hoạch đề ra, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan và sự chung tay của cộng đồng.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, khu vực miền núi có 53 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, trong đó, riêng trong năm 2022 có 14 xã sẽ về đích. Qua khảo sát cho thấy, những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân ở miền núi được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch rất thấp. Đây chính là “rào cản” đối với các xã ở miền núi khi tiến hành xây dựng xã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, tại 14 xã đăng ký về đích NTM năm 2022 vẫn chưa có hệ thống nước sạch tập trung. Vì thế, đường về đích NTM của 14 xã này trở nên chông chênh.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Hiện nay, 11 huyện miền núi mới chỉ có 6 huyện có nhà máy nước sạch (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân), trong khi đó, các nhà máy nước mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ hộ dân ở vùng lân cận thị trấn. Vì vậy, khi triển khai XDNTM ở nhiều xã ở khu vực miền núi gặp khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu về nước sạch tập trung.

“Để chỉ tiêu nước sạch không trở thành rào cản trong quá trình XDNTM, ngoài sự cố gắng của từng địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, các huyện, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, trong quá trình XDNTM, các xã cần chủ động thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên. Ngoài ra, các huyện miền cũng cần chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch. Làm được điều này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã hoàn thành chỉ tiêu nước sạch trong tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong XDNTM, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn miền Tây xứ Thanh”, ông Dương Văn Giang, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM Thanh Hóa, chia sẻ.

Bài và ảnh: Xuân Cường