Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch quốc gia

Toàn cảnh Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia.

Sự kiện được tổ chức nhân Ngày Du lịch Thế giới (27/9) và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), nhằm góp phần đẩy mạnh xã hội hóa du lịch, thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Phát biểu khai mạc Đại hội, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia khẳng định: Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú. Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch. Các bãi biển của Việt Nam được xếp trong nhóm 15 bãi biển đẹp của thế giới; ẩm thực Việt Nam, nhất là ẩm thực đường phố, luôn được xếp ở tốp đầu; các di sản văn hóa và nhân văn của Việt Nam đa dạng, giá trị...

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh du lịch của nước ta chỉ ở mức trung bình trong xếp hạng thế giới. “Năm 2021, dù chúng ta đã tăng 8 bậc so với năm 2019, và là một trong những quốc gia có tốc độ cải thiện nhanh nhất, nhưng năng lực phát triển du lịch của chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở thứ hạng 52 trong tổng số 117 quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới” - ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc.

Theo ông, dù ngành du lịch đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước với gần 10% trong GDP, tạo tác động liên ngành to lớn, nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Các yếu tố liên quan hạ tầng du lịch, năng lực tiếp thị quảng bá quốc gia về du lịch; sự phối hợp liên ngành giữa chính quyền các địa phương và các cơ quan văn hóa, du lịch, ngoại giao, thương mại, đầu tư và các cơ quan khác còn yếu; các doanh nghiệp lớn làm về du lịch, các thương hiệu quốc gia về du lịch chưa nhiều; ngành du lịch chủ yếu vẫn cạnh tranh bằng giá, du lịch chưa được đối xử thực sự như một ngành mũi nhọn, chưa được tích hợp có hiệu quả như một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp...

Để khắc phục những “điểm nghẽn” về du lịch, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng rất cần đến tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia được tổ chức trong chuỗi Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia vì thế càng có ý nghĩa quan trọng.

Các đại biểu điều hành Hội nghị về tầm nhìn và thách thức phát triển công nghiệp du lịch địa phương trong khuôn khổ Đại hội.

Đại hội tập trung làm rõ các nội dung về tổng quan khai thác tài nguyên du lịch hiện nay, định hướng phát triển ngành công nghiệp du lịch Việt Nam; thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chuyển giao khoa học công nghệ ngành du lịch giúp doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh kết nối du lịch vùng miền, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam; hưởng ứng thực hiện nghị quyết của Đảng, nhà nước về phát triển du lịch, hỗ trợ khởi nghiệp du lịch.

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến, đầu tư du lịch, đưa ra các ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương, Đại hội còn có nhiều diễn đàn chuyên môn nhằm phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch quốc gia, như: Diễn đàn xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của tương lai; Marketing và mở rộng thị trường cho du lịch trong thời đại số; Du lịch - xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; Mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu du lịch quốc gia...