Phụ huynh nghỉ làm, đưa con đi thi 3-4 trường chuyên/tuần

Sáng 12/6, chị Nguyễn Thị Sinh (Thanh Trì, Hà Nội) dậy từ 5h15, chuẩn bị bữa sáng cho con cô gái thi vào lớp 10. Con chị còn tỉnh giấc sớm hơn mẹ 30 phút để xem lại bài vở. Sáng nay, em thi môn đầu tiên trong chuỗi một tuần thi cử với nguyện vọng vào trường chuyên.

"6h15, hai mẹ con lên đường. Trời mưa to, nhà lại cách điểm thi xa nên chúng tôi đi sớm phòng trường hợp ngoài ý muốn. Đến nơi, mẹ ướt hết, phải ghé chợ bên cạnh mua tạm bộ đồ để thay. Cũng may, con không ướt", chị Sinh tâm sự lúc đang ngồi trước cổng trường chờ con.

Chị Sinh chờ trước cổng trường THCS Nam Trung Yên trong khi con làm bài thi Ngữ văn. Ảnh: N.S.

Thi xong sớm, nghỉ sớm

Lần thứ hai có con thi vào lớp 10 nên tâm lý chị Sinh khá thoải mái. Nhà xa, chị không về mà tìm chỗ ít người, ngồi chờ, đảm bảo khoảng cách trong phòng chống dịch.

Chị Sinh cho hay con gái chị trước học trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì). Cũng như phần lớn bạn học cùng lớp, con đăng ký vào nhiều trường chuyên. Ngoài trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam của sở, con sẽ thi thêm vào lớp Toán trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và chuyên ĐH Sư phạm.

Năm nay, thí sinh thi vào các trường chuyên có phần vất vả hơn khi dịch Covid-19 khiến trường phải sắp lại lịch thi. Như các năm trước, các em thường thi vào trường chuyên thuộc đại học trước rồi mới thi vào trường chuyên của sở.

Theo chị Nguyễn Thị Sinh, cách xếp lịch như vậy có lợi hơn. Do đề thi có cấu trúc khác nhau, thí sinh phải ôn theo dạng đề của trường. Nếu như lịch các năm trước, các em ôn đề chuyên của trường đại học trước. Thi xong, học sinh vẫn còn khoảng 1-2 tuần để ôn theo đề chuyên của sở.

Năm nay, con gái chị cùng bạn học ôn đồng thời hai dạng đề nên việc học khá vất vả. Trong tuần tới, chị nghỉ làm để cùng con trải qua 3 kỳ thi vào trường chuyên.

“Thi cử liên tục, con cũng vất vả. Nhưng con tâm sự mong thi sớm để nghỉ sớm, lịch thi trải dài còn mệt mỏi hơn. Kiến thức cũng chỉ như vậy, ôn thi trường chuyên biết bao nhiêu cho đủ”, chị Sinh chia sẻ.

Tương tự, tuần tới, anh Dương Quang Hải (Minh Khai, Hai Bà Trưng) cũng xin nghỉ làm để đồng hành cùng con qua kỳ thi chung, thi chuyên vào Hà Nội - Amsterdam, lớp chuyên trường THPT Chu Văn An và kỳ thi vào lớp Toán trường chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên Sư phạm.

Anh Hải tâm sự vợ anh cũng đưa con đi thi được. Nhưng lúc con thi, anh đi làm không yên tâm nên quyết định xin nghỉ để sát cánh. Phụ huynh này cũng quyết định ngồi ở khu vực vắng trước cổng trường, chờ con thi xong hai môn đầu tiên.

Cũng may, thời gian gần đây, con anh học online, không phải di chuyển đến các lớp học thêm, cùng với đó, vợ anh cũng nghỉ việc, ở nhà lo cơm nước nên con đảm bảo sức khỏe để thi liên tiếp.

Gia đình cũng khuyên con dành thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị tinh thần thoải mái, thể chất tốt. Do đó, mấy ngày gần đây, con gái anh Hải không còn học căng thẳng như đợt trước.

Cùng cho con tham gia cuộc đua vào trường chuyên, chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có tâm lý thoải mái. Nữ phụ huynh chia sẻ con trai lớn của chị cũng từng thi và trúng tuyển 3 trường chuyên. Do đó, đến khi con trai thứ hai thi, gia đình không mấy áp lực.

Con chị đăng ký vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên Sư phạm và chuyên Ngoại ngữ và trường Nguyễn Tất Thành. Do trùng lịch, con chị Hương hủy thi vào chuyên Ngoại ngữ.

Nữ phụ huynh cho hay gia đình đồng ý cho con đăng ký thi nhiều trường với tâm lý đằng nào cũng học rồi, thi nhiều có nhiều lựa chọn hơn. Khi lịch thi được xếp dày đặc, chị thừa nhận cả con và bố mẹ sẽ vất vả hơn nhưng thi sớm, nghỉ sớm cũng tốt. Trong tuần tới, vợ chồng chị Thu Hương sẽ thay nhau xin nghỉ làm để đưa đón con đi thi.

Anh Hải xác định sẽ xin nghỉ để đồng hành cùng con trong tuần thi vào các trường chuyên. Ảnh: N.S.

Đầu tư thời gian, tiền bạc để con thi chuyên

Con trai chị Thu Hương vốn học trường THCS Cầu Giấy, được chuẩn bị từ sớm để thi vào trường chuyên. Nữ phụ huynh cho hay trường học rất sát sao với việc ôn thi. Khi dịch bùng phát, trường ngay lập tức chuyển qua dạy online, học sinh không phải nghỉ học buổi nào.

Việc ôn tập được giáo viên chú trọng. Trường còn kết hợp với thầy cô ở các trường chuyên để học sinh được rèn cấu trúc bài thi, kiến thức thường gặp trong đề chuyên.

Ngoài ra, vợ chồng chị cũng chịu khó đầu tư, mua các đầu sách cần thiết cho việc học của con. Để chuẩn bị cho kỳ thi của các trường chuyên, con trai chị ôn luyện, làm đề thi các năm trước cùng các bộ đề thi do giáo viên soạn.

“Qua mỗi năm, đề thi càng ngày càng khó nên con càng cần cố gắng”, chị Hương nói về việc học của con.

Ngoài các trường chuyên, con chị còn đăng ký trường Chu Văn An, Kim Liên và Yên Hòa. Bên cạnh đó, chị còn tìm hiểu các trường tư làm phương án dự phòng, tránh tạo áp lực nhất định phải đỗ lên con.

Gia đình chị xác định trong thời gian tới, việc học của con là ưu tiên hàng đầu.

“Trong trường hợp con trúng tuyển trường xa nhà, gia đình tôi sẽ cho thuê căn nhà hiện tại, chuyển sang ở trọ nơi gần trường để con tiện học hành, không vất vả đi lại. Bố mẹ có thể đi làm xa, gắng dậy sớm hơn, chịu khó cũng chỉ 3 năm là con vào đại học”, chị Thu Hương nói.

Trong khi đó, điều kiện kinh tế không dư dả, gia đình chị Nguyễn Thị Sinh xác định chỉ có thể cho con học trường công lập. Ngoài 3 trường chuyên, con gái chị đăng ký vào trường THPT Ngọc Hồi, Đông Mỹ, Nguyễn Quốc Trinh.

“Con tôi bắt đầu ôn thi trường chuyên từ đầu năm lớp 9. Cháu bắt đầu muộn, lại vướng dịch nên không ôn tập được bao nhiêu. Gia đình xác định đỗ chuyên hay không thì con cũng nỗ lực hết mình rồi”, chị Sinh nói.

Nữ phụ huynh thừa nhận nếu con học trường chuyên, chi phí sẽ tốn kém hơn. Nhưng để con có thể có môi trường học tập tốt, rèn luyện kỹ năng sống qua hoạt động ngoại khóa đa dạng, vợ chồng chị quyết định cố gắng thu xếp để đầu tư cho con.

Chị Sinh tâm sự chỉ riêng việc ôn thi vào trường chuyên đã khá tốn kém. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị chi khoảng chục triệu đồng cho việc học của con gái, riêng học phí mỗi ca ôn thi đã lên đến 150-300.000 đồng.

Trong khi đó, cuộc đua vào trường chuyên của con gái anh Dương Quang Hải còn dài hơi hơn. Gia đình xác định cho con vào trường chuyên từ khi học lớp 6 ở trường THCS Lê Ngọc Hân. Hàng tuần, con học thêm 3 buổi bên ngoài cho các môn Toán, Văn, Anh bên cạnh việc luyện thi vào trường chuyên tại trung tâm.

Thời gian gần đây, do dịch nên việc học thêm tại trung tâm gác lại trong khi các môn khác chuyển sang học online.

Mức đầu tư để con ôn thi rơi vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng do con gái anh học thêm ít. Nhưng không chỉ tiền bạc, để tranh suất vào trường chuyên, con anh nỗ lực nhiều. Gần đến lúc thi, mỗi ngày, con học 3 ca sáng, chiều, tối. Việc học online thậm chí bắt đầu từ 6h30.

“Ngoài trường chuyên, con còn đăng ký vào THPT Kim Liên và Hai Bà Trưng. Tâm lý phụ huynh ai chẳng mong con đỗ chuyên nhưng cũng không thể ép con, chỉ mong con cố gắng. Trước mắt, tôi mong con thi tốt trong một tuần tới rồi nghỉ ngơi thoải mái”, anh Dương Quang Hải chia sẻ.

'Con trong phòng thi không lo lắng bằng cha mẹ ở ngoài' Sáng 12/6, hơn 93.000 học sinh Hà Nội bắt đầu kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022. Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng trước giờ con "vượt vũ môn".

Nguyễn Sương