Phương pháp tính CPI theo đúng hướng dẫn của ILO

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết phương pháp tính CPI được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). (Ảnh minh họa)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2021 giảm 0,04%, mặc dù từ đầu năm đến nay giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đều tăng liệu có phải là nghịch lý.

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, phương pháp tính CPI chúng tôi áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của ILO ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại điện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB),

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều tin tưởng và thường xuyên sử dụng số liệu CPI trong nghiên cứu và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

CPI hàng tháng trong thời kỳ 2020 - 2025 được tính dựa trên thông tin thu nhập tại khoảng 40.000 điểm điều tra giá từ 63 tỉnh thành với 752 loại hàng hóa và dịch vụ.

Trong tháng 4/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1 có 4 nhóm hàng giảm giá chiếm 60% tổng chi tiêu, 6 nhóm hàng tăng giá chiếm 34,2%, nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi chiếm 5,7%. Việc 4 nhóm hàng giảm giá với tỷ trọng lớn đã kéo theo chỉ số giá chung giảm so với tháng 3.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng trong tháng 4 cũng giảm 0,43% so với tháng trước được biết là do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Các sản phẩm thuộc nhóm vật liệu xây dựng trong chi tiêu của dân cư được tính trong CPI bao gồm các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và không bao gồm các sửa chữa lớn và xây dựng mới.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận nguy cơ lạm phát là do mức tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và nguy cơ sẽ tăng dần cho đến cuối năm.

Khi nền kinh tế thị trường dần phục hồi sẽ dẫn đến nhu cầu hàng hóa sẽ tăng từ đó đẩy mặt bằng giá lên cao. Đồng thời, chính sách tiền tệ nới lỏng của các nước để phục vụ kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên.

Tuy còn gặp phải nhiều vướng mắc cần được gỡ bỏ nhưng ông Tiến vẫn nêu quan đểm lạc quan dựa trên quan sát kinh nghiệm điều hành của Chính Phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua: "Chúng tôi tin là mục tiêu CPI trong năm nay sẽ đạt bình quân khoảng 4% đúng với kế hoạch Quốc Hội đã đề ra".

Phạm Duy