Quy hoạch tốt để công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững

Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay sản xuất các loại nhãn cung ứng cho ngành May mặc, Giày dép. Ảnh: Khánh Minh

Tính đến giữa tháng 3-2021, Đồng Nai có 38 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Trong đó, có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thu hút gần 1,9 ngàn dự án gồm 1.370 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 521 dự án trong nước.

* Thu hút nhiều ngành nghề

Trong thu hút các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tỉnh quy định có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao. Do đó, các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này khá đa dạng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí chế tạo có 254 DN, chiếm gần 42% trong tổng số DN công nghiệp hỗ trợ; ngành Dệt may có khoảng 137 DN công nghiệp hỗ trợ, chiếm 23%; ngành Da giày có 110 DN, chiếm 18%; ngành Điện tử có 79 DN, chiếm 13%...

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có công nghệ tiên tiến để đáp ứng nguồn cung đầu vào cho nhiều DN FDI tại Việt Nam. Các dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh khá đa dạng ở nhiều ngành hàng khác nhau, nhưng đa số vẫn là cơ khí chế tạo, dệt may, da giày. Đây là các ngành nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đang thu hút đầu tư FDI”. Hiện chưa có quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay các vùng kinh tế khác. Nhiều DN cho rằng, Chính phủ cần sớm có quy hoạch vùng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ để các địa phương không bị lấn chân nhau. Các dự án FDI thu hút được khi đi vào hoạt động có thể kết nối cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau và tránh được tình trạng thừa và thiếu.

Ông Liu Châu Bằng, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại pin, ắc-quy cung ứng cho các tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam và nước ngoài. Nhiều nguyên liệu đầu vào của công ty phải nhập khẩu nên công ty mong có những nhà cung cấp trong nước để giảm nhập khẩu. Muốn có nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào, Việt Nam nên có quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hàng”.

* Cần quy hoạch và kết nối

Tại các hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa DN trong nước và DN FDI trên địa bàn tỉnh, các DN FDI đều mong muốn sẽ tìm được nguồn nguyên liệu ở thị trường nội địa để giảm nhập khẩu. Vì như vậy, DN có thể chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Tuy công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai, các tỉnh, thành lân cận phát triển nhưng cung - cầu chưa gặp nhau. Đơn cử như mặt hàng hóa chất, chất dẻo mỗi năm Đồng Nai chi gần 2 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước, nhưng cũng mặt hàng này các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

PGS-TS Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM chia sẻ: “Trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, nếu Chính phủ có quy hoạch rõ ràng, từng địa phương thu hút những ngành nghề nào để không trùng lặp, sau đó kết nối các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN khác để bán sản phẩm đầu vào cho nhau sẽ giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu. Nguồn nguyên liệu trong nước đầy đủ sẽ giúp DN dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu”.

Ngành Công nghiệp hỗ trợ phát triển, đồng nghĩa với nguồn cung đầu vào cho sản xuất công nghiệp phong phú sẽ tăng sức hút với nhà đầu tư FDI ở những ngành hàng khác nhau.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai đánh giá, các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh đa số muốn tìm đối tác cung cấp sản phẩm đầu vào tại Việt Nam. Nếu Chính phủ quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt và tăng kết nối giao thương tại chỗ từng ngành hàng để các DN trong nước, FDI gặp gỡ ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm sẽ tạo thuận lợi cho DN là chủ động sản xuất, giảm chi phí, thời gian vận chuyển và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đem lại.

Khánh Minh