Rất nhiều cha mẹ mắc phải sai lầm khi kỷ luật con

Đặt quy định không rõ ràng

Nguồn ảnh: Ảnh minh họa.

Không giống như người lớn, trẻ em mất nhiều thời gian hơn để hiểu các yêu cầu, hướng dẫn. Là cha mẹ, bạn phải giải thích chi tiết về các quy tắc bạn đặt ra cho con.

Mặc dù bạn có thể yêu cầu con làm việc này ở nhà, nhưng không nhất thiết con phải làm điều tương tự ở nơi khác.

Do đó, đừng đưa ra những quy định mơ hồ, không rõ ràng.

Phản ứng thái quá

Trẻ em đôi khi rất "ngây thơ vô số tội". Trẻ thiếu tự chủ và có thể nói những điều làm tổn thương bạn.

Tuy nhiên, là cha mẹ, bạn phải hiểu trẻ không hẳn là cố ý, chúng chỉ nói theo ý mình mà thôi.

Do đó, thay vì cảm thấy bị tổn thương và phản ứng thái quá, bạn cần giúp con hiểu cách tôn trọng mọi người.

Liên tục cằn nhằn, đổ lỗi

Mọi đứa trẻ đều mắc lỗi và chúng cần biết khi nào chúng mắc lỗi. Tuy nhiên, cứ lặp đi lặp lại, lên lớp con quá nhiều có thể không mang lại hiệu quả.

Trẻ sẽ không tập trung vào vấn đề thực tế và sẽ chỉ tìm ra lỗi trong cách cư xử của bạn đối với con.

Vì vậy, bạn nên tránh cằn nhằn liên tục và đổ lỗi cho trẻ.

Thiếu nhất quán

Nhiều ông bố kỷ luật con không nhất quán, tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc hoặc thời gian trẻ mắc sai lầm. Chẳng hạn, khi trẻ cãi láo ở nhà, nhiều ông bố chỉ cười cho qua nhưng khi đến nơi đông người, họ lại mắng và đánh trẻ vì hành vi tương tự. Điều này khiến trẻ bối rối, không nhận thức rõ ràng bản thân sai ở đâu.

Vì vậy, việc kỷ luật trẻ nên được thực hiện theo quy tắc nhất quán, rõ ràng, không phụ thuộc vào tác động bên ngoài. Kiên định trong việc nuôi dạy là cách tốt nhất giúp trẻ hiểu về những điều nên và không nên làm.

Hối lộ

Bằng cách mua quà bánh, thưởng vật chất để hối lộ trẻ không cư xử sai lầm chỉ dạy rằng trẻ sẽ được đáp ứng mong muốn nếu làm sai. Sau đó, khi muốn đòi hỏi, chúng sẽ ăn vạ hoặc cư xử sai rồi mới nghĩ đến chuyện sửa đổi khi được đáp ứng nhu cầu. Cách kỷ luật thích hợp là khen ngợi khi trẻ làm đúng và đưa ra hậu quả nếu trẻ làm sai.

So sánh với người khác

"Chị gái con học rất giỏi, sao con không làm được như chị?" hay những câu so sánh tương tự không mang tính thúc đẩy động lực học tập của con như các ông bố hay nghĩ. Thay vào đó, so sánh chỉ khiến trẻ ghen tị với những người khác, tức giận với gia đình và tự ti về bản thân.

Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh ở những lĩnh vực riêng và phát triển không giống nhau. Chẳng hạn, có em giỏi toán, có em giỏi văn. Có em giỏi thể thao từ cấp 1 nhưng có em lên cấp 2, cấp 3 mới hứng thú với thể thao.

Vì vậy, phụ huynh nên tập trung phát huy thế mạnh của con hoặc nhắc nhở con trau dồi những điểm yếu nhưng không so sánh với mọi người xung quanh.

Theo Tiêu dùng