Sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe cho mỗi lần vi phạm

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe (GPLX). Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định điểm, trừ điểm của GPLX vào dự thảo Luật, Bộ Công an thấy rằng, việc quy định điểm, trừ điểm của GPLX vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.

Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét (trung bình hằng năm lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng GPLX trên 500.000 trường hợp)...

Hiện nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi. Việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng. Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người lái xe.

Cảnh sát Giao thông thực thi nhiệm vụ (Ảnh Bảo Châu).

Mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 trường hợp GPLX. Việc tước GPLX đang thực hiện thủ công. Nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo đề xuất của Bộ Công an, dự kiến mỗi GPLX sẽ có 12 điểm/năm, khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Nếu trong một năm bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX. Khi bị trừ hết điểm, GPLX không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp GPLX, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX cũ hết hiệu lực. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm.

Trừ điểm GPLX sẽ là một biện pháp quản lý Nhà nước, đây không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc vi phạm tái phạm. Khi trừ điểm sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Minh Phương