Sức mạnh siêu tàu ngầm Knyaz Vladimir lần đầu duyệt binh

Phát biểu tại lễ khai mạc duyệt binh Ngày Hải quân Nga ở St.Petersburg, Tổng thống Putin tuyên bố Hải quân Nga có khả năng thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào đối phương từ bất kỳ đâu, dù là dưới nước, trên biển hay trên không.

"Hải quân Nga ngày nay có mọi thứ cần thiết để bảo vệ đất nước và lợi ích quốc gia của chúng ta", Tổng thống Putin nói. Phát biểu của Tổng thống Putin diễn ra vài ngày sau khi Hải quân Nga bắn thử thành công tên lửa siêu thanh Zircon trên chiến hạm và sẵn sàng thử trên tàu ngầm.

Tàu ngầm Knyaz Vladimir lần đầu duyệt binh kỷ niệm ngày Hải quân Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đã đảm bảo vị trí của mình trong số các cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, bao gồm việc phát triển vũ khí siêu vượt âm mới nhất và chưa có đối thủ trên thế giới.

Sau bài phát biểu của ông Putin, sự xuất hiện của chiếc tàu ngầm hạt nhân Knyaz Vladimir gây được sự chú ý nhất trong buổi duyệt binh tại St.Petersburg. Bởi đây là con tàu được đánh là mạnh nhất của Hải quân Nga và lần đầu tiên tham dự duyệt binh kỷ niệm ngày truyền thống.

Đánh giá về sự xuất hiện của chiếc tàu, trang USNI News dẫn lời Tư lệnh hạm đội 6 của Mỹ, Phó Đô đốc James Foggo III cảnh báo rằng, với việc thêm chiếc Knyaz Vladimir, hạm đội ngầm Nga đang thách thức sự vượt trội của NATO ở Đại Tây Dương.

"Một lần nữa, những tàu ngầm hiện đại, hiệu quả của Nga lại đang thách thức chúng ta. Các tàu ngầm này đang tăng cường hoạt động ở Đại Tây Dương, thử nghiệm vòng phòng thủ của NATO và thu thập những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho xung đột có thể xảy ra trong tương lai", Đô đốc James Foggo III nói.

Ông Foggo và nhà phân tích quân sự, Alarik Fritz nhận định rằng, "cuộc chiến thứ 4 trên Đại Tây Dương" đang diễn ra và so sánh tình hình hiện nay với những căng thẳng trong Thế chiến II và Chiến tranh lạnh.

Ông Foggo nhấn mạnh và nhắc đến tàu ngầm tấn công Knyaz Vladimir lớp Borei-A và Yasen của Nga như một mối nguy hiểm trực tiếp: "Nga đang dần thu hẹp khoảng cách về công nghệ. Những lợi thế dưới lòng đại dương mà chúng ta có được sau Chiến tranh lạnh đang dần biến mất".

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hải quân Mỹ quan ngại về hoạt động của tàu ngầm Nga. Hồi đầu năm 2019, tạp chí National Interest cho rằng, sau khi thành công với 2 mẫu tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 4 là Yasen và Borei, Nga đã bắt đầu công việc chế tạo hai mẫu tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5.

Tạp chí Mỹ mô tả rằng, trong số 2 mẫu này, một mô hình được thiết kế để chuyên đánh chặn tàu ngầm của đối phương, mẫu thứ hai là một "sát thủ tàu sân bay", chuyên dùng để triệt hạ những mục tiêu lớn trên mặt nước như hàng không mẫu hạm hay tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, Nga đang hồi sinh ngành đóng tàu ngầm với sức mạnh mới. "Sau nhiều năm ngừng hoạt động thời hậu chiến tranh lạnh, Moskva gần đây đã giới thiệu hai loại tàu ngầm mới thuộc thế hệ thứ 4 rất thành công", bài viết trên tờ National Interest cho biết.

Năm 2013, Hải quân Nga đã nhận được các tàu ngầm chiến lược lớp Borei và Borei-A mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava cũng như các tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của đề án Yasen mang nhiều tên lửa hành trình tấn công mặt đất như RK-55 Granat, P-800 Onyx hay Kalibr-S…

Những tính năng của các tàu ngầm hạt nhân Nga không chỉ gây ấn tượng với nhiều chuyên viên quân sự Mỹ, các chuyên gia quân sự Anh cũng đã từng thừa nhận, Mỹ và NATO hiện không có bất cứ con tàu nào đủ mạnh làm đối trọng với tàu ngầm của Hải quân Nga hiện nay.

Thảo Nguyên