Tăng quân sự Bắc Cực, Nga thúc đẩy tuyến đường biển Bắc

Nga đang thúc đẩy kế hoạch phát triển toàn diện ở vùng Bắc Cực, buộc hiện diện quân sự gia tăng để đảm bảo an ninh toàn diện.

Hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ Nga ở Bắc Cực. Ảnh: Maxar

Ngày 6/4, CNN dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời trong một cuộc phỏng vấn nói rõ về chiến lược phát triển kinh tế và quân sự của Nga tại khu vực giáp Bắc Cực.

Theo đó, ông Peskov nhấn mạnh, Bắc Cực "là khu vực cực kỳ quan trọng đối với Liên bang Nga", đang được triển khai các kế hoạch phát triển "toàn diện và nhất quán".

Trên thực tế, việc Nga gia tăng hiện diện quân sự ở Bắc Cực và trên vùng lãnh thổ của mình không phải chỉ trong thời gian ngắn. Vị trí địa lý gần vùng cực cho phép Nga hướng tới một chiến lược quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ lãnh thổ cũng như phát triển kinh tế vùng có khí hậu lạnh lẽo và băng giá. Thực tế đã chứng minh rằng, Moscow có năng lực quân sự đáng gờm tại các địa hình khí hậu lạnh giá.

Khi biến đổi khí hậu khiến Trái Đất ấm lên và làm băng tan, lộ ra tuyến hàng hải độc đáo, có tiềm năng phát triển vận tải biển, Nga đã có dịp tận dụng lợi thế quân sự đặc biệt của mình để phát triển an ninh vùng cực, đảm bảo an ninh hàng hải một cách tuyệt đối cho tuyến vận tải mang tên tuyến đường biển bắc của mình.

Với nhiều bất lợi của tuyến đường này, như hoạt động trong thời gian chỉ 3-5 tháng, phải sử dụng đội tàu chuyên dụng, chi phí bảo hiểm cao, chỉ phù hợp với một số hàng hóa vận tải... thì phía Nga đã nỗ lực để chứng minh đây là tuyến hàng hải có thể chia sẻ gánh nặng vận tải qua kênh đào đông đúc ở Suez. Một trong những điều mà Moscow cần đảm bảo trước tiên cho khách hàng là: An ninh.

Do vậy, với một địa hình đặc biệt như ở vùng cực, Moscow chắc chắn sẽ phải sử dụng năng lực quân sự vốn có của mình để phục vụ các mục tiêu kinh tế đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng.

“Tuyến đường biển phương Bắc” - một tuyến đường vận chuyển chạy từ Na Uy tới Alaska, dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga, qua Bắc Đại Tây Dương, có khả năng giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng giữa châu Á và châu Âu qua kênh đào Suez.

Thư ký báo chí của Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng, dù Mỹ liên tục chỉ trích Nga ở khu vực nhưng họ cũng chưa bao giờ từ bỏ tham vọng tại Bắc Cực và luôn lập luận để sự hiện diện của họ là hợp lý thay vì sự có mặt của lực lượng quân sự Nga ở trên lãnh thổ nước mình.

Trước đó, CNN đã thu thập được các hình ảnh vệ tinh do công ty kỹ thuật không gian Maxar chụp được, cho thấy Nga liên tục mở rộng các căn cứ và tăng cường số lượng phương tiện quân sự dọc đường bờ biển Bắc Cực thuộc lãnh thổ Nga, cùng với các cơ sở lưu trữ vũ khí dưới lòng đất.

Các phương tiện quân sự mà Nga triển khai tại đây bao gồm máy bay ném bom, chiến đấu cơ MiG31BM và hệ thống radar mới.

Một tàu ngầm Delta IV của Nga cũng được phát hiện hoạt động xuyên lớp băng dày gần đảo Alexandra ngày 27/3 trong một cuộc tập trận.

Máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95. Ảnh: Maxar Technologies

Bình luận về các động thái quân sự của Nga, người phát ngôn Lầu Năm Góc tiếp tục chỉ trích Moscow gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Bắc Cực.

“Không một ai muốn nhìn thấy Bắc Cực trở thành khu vực bị quân sự hóa. Chúng tôi rõ ràng nhận ra khu vực này là địa hình then chốt quan trọng đối với việc bảo vệ quê hương và là một hành lang chiến lược tiềm năng giữa Mỹ và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây sẽ trở thành khu vực dễ bị cạnh tranh. Chúng tôi cam kết sẽ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ tại Bắc Cực bằng cách duy trì các quy tắc dựa trên trật tự trong khu vực này, đặc biệt qua mạng lưới các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở Bắc Cực có chung lợi ích” - người phát ngôn cho biết.

Hải Lâm