Tạo động lực mới để đất nước phát triển nhanh và bền vững

Từ đánh giá thực tiễn…

Trong Báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã nhận định: “Phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng”. Trong Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cũng được đánh giá là đã “khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm:

(1) “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp”; “Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; Chất lượng nhiều dịch vụ thấp”.

(2) Trong đó vẫn có “Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển”.

(3) Về “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”.

Đến định hướng phát triển…

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta chỉ rõ: (1) Phải “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ”; (2) “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN4.0 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Các đồng chí Lãnh đạo Bộ KH&CN tặng hoa chúc mừng hai đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Ảnh: Nguyễn Nhâm)

Về đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải: “Chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao…; “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc CMCN4.0”.

Về đẩy mạnh CNH, HĐH cần phải “Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh, phát triển kinh tế số”, và “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số”.

Về nghiên cứu, ứng dụng, cần “Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển; Xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển; và “đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại”.

Về hoàn thiện thể chế phải “Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử”; “Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ”.

Về đổi mới sáng tạo phải “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”; cần “có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc CMCN4.0”.

Trong mục, Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Đảng ta còn định rõ chỉ tiêu cụ thể là, “kinh tế số đạt khoảng 20% GDP”.

Và những giải pháp chiến lược cần quan tâm

1. Về hệ thống tổ chức. Đảng ta nêu 4 yêu cầu phải “Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn với đổi mới toàn diện chính sách nhân lực khoa học và công nghệ. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân.

- Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

- Chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng.

- Các ngành, các cấp có trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực mình phụ trách.

2. Về phát triển. Đảng ta chủ trương: Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước; Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trọng yếu; Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn”.

3. Về nghiên cứu và ứng dụng. Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.

4. Về các khâu đột phá chiến lược. Trong 3 khâu (Hoàn thiện đồng bộ thể chế; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng), Đảng ta nhấn mạnh: “Nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Trước Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những bước đi chủ động, tích cực ra các nghị quyết và chương trình hành động như: Nghị quyết 52-NQ/TW (27/9/2019); Chỉ thị 16/CT-TTG (4/5/2017); Quyết định 999/QĐ-TTg (12/8/2019)...; Và Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cũng được thành lập (28/08/2018). Cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ số hóa đã phát triển bước đầu và ứng dụng trên nhiều lĩnh vực có hiệu quả, kể cả việc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Như vậy, trên cơ sở đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng trong các thập niên tới, Đảng ta đưa ra quyết sách khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị… trong đó coi CMCN4.0 là động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững, đồng thời với các định hướng và giải pháp chiến lược đúng đắng, sáng tạo. Vì thế, đây là một trong những nội dung rất quan trọng cần được quán triệt sâu sắc để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào đời sống thực tiễn./.

Nguyên Nhâm