Trách nhiệm của nhà báo trước thách thức mạng xã hội

Ảnh minh họa (Nguồn: PLVN)

Trách nhiệm của người làm báo

Không thể phủ nhận báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi mặt đời sống xã hội. Trong bất cứ giai đoạn nào, người làm công tác báo chí luôn đi trước mở đường, tạo dựng niềm tin cho công chúng. Trách nhiệm và sứ mạng ấy đã tạo nên sức mạnh đặc biệt của báo chí, đó là gần dân, phản ánh tiếng nói của người dân, mang hơi thở cuộc sống vào từng trang báo, bài viết.

Nhìn từ cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đang thực hiện mạnh mẽ với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, báo chí đã thể hiện được vai trò xung kích. Đã có nhiều thông tin do báo chí phản ánh được các cơ quan chức năng vào cuộc. Từ những bài phóng sự điều tra của các nhà báo, các cơ quan chức năng có nhiều thông tin giá trị và điều tra, làm rõ.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, báo chí đã phát huy vai trò định hướng và làm chủ thông tin trên mạng xã hội (MXH). Trong bối cảnh những thông tin giả, sai sự thật, khiến dư luận hoang mang, nhiều nhà báo đã chủ động thông tin chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Thách thức của mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới

Trên thực tế, rất nhiều thông tin cần biết thì người dân vẫn thiếu, trong khi đó, MXH và các nền tảng xuyên biên giới dường như đang thỏa mãn “cơn khát” thông tin của nhiều người. MXH đã và đang là kho thông tin khổng lồ mang lại nhiều lợi ích cho báo chí. Có khi “tâm bão” trên MXH trở thành đề tài cho báo chí khai thác.

Tuy nhiên, chính sự phát triển bùng nổ của MXH cũng gây không ít khó khăn, thách thức và cả sự cạnh tranh khốc liệt đối với vai trò của báo chí chính thống. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin, báo chí chính thống đang bị MXH chia sẻ thị phần một cách nhanh chóng. Nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang biến mất hoặc giảm về số lượng phát hành và tầm ảnh hưởng trong xã hội. Theo đó, lợi ích kinh tế (đặc biệt là nguồn lợi từ quảng cáo) của báo chí chính thống cũng đang suy giảm một cách thê thảm. Trước tình hình đó, không thể yêu cầu Nhà nước cấm hoặc thu hẹp hoạt động của MXH; cũng không thể tăng cường bao cấp cho báo chí để cạnh tranh với MXH. Chỉ có một con đường duy nhất là báo chí phải tự đổi mới để tồn tại và phát triển. Báo chí và MXH nên và phải đồng hành, hợp lực vì mục tiêu tiến bộ xã hội. Cùng tồn tại trong mối quan hệ tương tác qua lại để cùng nhau phát triển là xu hướng không còn bàn cãi giữa báo chí và MXH trong thời đại số hóa.

MXH là nơi xuất phát những manh mối thông tin ban đầu nhưng đó chỉ là thông tin ở dạng quặng, phải được xử lý để biến thành sản phẩm. Vì vậy, nhà báo phải có khả năng tiếp cận thông tin và đạo đức nghề nghiệp mới nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đưa tin chính xác, chân thật. Mỗi thành viên trên MXH có thể xem là “nguồn tin” hấp dẫn cho những người làm báo. Tuy nhiên, từ “nguồn tin” ấy, người làm báo phải biết khai thác, mở rộng và thẩm định trước khi đăng tải thông tin, giúp người dân hiểu rõ được bản chất vấn đề.

Hiện nay, nhiều nhà báo rất nhanh nhạy theo dõi và có khả năng phát hiện những thông tin hữu ích trên MXH. Bên cạnh đó, họ chia sẻ lên MXH những bài viết của mình. Thông qua MXH, các bài viết đã tạo ra những cuộc thảo luận, bình luận sôi nổi, khuyến khích các “cư dân mạng” cung cấp thêm thông tin, tạo ra những “bài báo mở” có tác dụng phản hồi trở lại với tác giả và cơ quan báo chí. Mặt khác, MXH cũng là kênh tuyệt vời để quảng bá cho các tờ báo, để những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt đến với nhiều người hơn, gây ảnh hưởng và tác động tốt hơn. Mỗi nhà báo cũng phải và nên là một thành viên của các MXH. Qua đó, không chỉ nắm bắt thông tin, phổ biến thông tin, quan điểm mà còn để rèn luyện phong cách báo chí theo hướng sát đời sống, gần gũi và thân thiện hơn với công chúng. MXH cũng là nơi các tờ báo phát triển, lựa chọn và xây dựng đội ngũ cộng tác viên của mình, nhất là đội ngũ cộng tác viên cơ sở, các chuyên gia trong các lĩnh vực và những người có uy tín, ảnh hưởng trên các diễn đàn xã hội.

Nếu chúng ta nhìn lại báo chí những năm gần đây sẽ nhận thấy có rất nhiều vấn đề. Đó là cơ chế thị trường đã đan xen vào nỗi lo “cơm áo gạo tiền” của từng tòa soạn. Nhiều cơ quan báo chí thành lập thêm chuyên trang, chuyên đề với mục đích kiếm thêm nguồn thu, bất chấp việc đó có mang lại lợi ích cho cộng đồng hay không. Tình trạng đưa những thông tin giật gân, câu khách, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đưa tin không đúng sự thật, thiếu kiểm chứng, thiếu nhạy cảm về chính trị, một số trường hợp thông tin “sáng đưa, chiều gỡ”;... Thậm chí, một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin chính thống mà thể hiện quan điểm tiêu cực trên MXH. Những hạn chế trên nếu không được khắc phục sẽ làm giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí. Một khi lòng tin bị sụt giảm thì những gì báo chí muốn tuyên truyền sẽ không có giá trị, vô tình tạo điều kiện cho thông tin độc hại có cơ hội len lỏi, ảnh hưởng đến tư tưởng xã hội và dẫn đường cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình để xuyên tạc, chống phá.

Vấn đề đặt ra và giải pháp

Từ thực tế trên cho thấy, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo điện tử, trang tin điện tử, MXH và các loại hình truyền thông khác trên Internet cần được tăng cường. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định: “Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí xuất bản, Internet, MXH. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong tuyên truyền”.

Đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin tuyên truyền báo chí. Cùng với các văn bản pháp luật khác như Luật An ninh mạng; Luật Báo chí năm 2016 và Quy tắc xử dụng MXH của người làm báo Việt Nam đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Để qua đó, mỗi người làm báo nhận thức tốt hơn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của mình; nắm vững những điều nên làm và không nên làm, góp phần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Hơn ai hết, mỗi người làm báo cần ra sức tu dưỡng rèn luyện, không ngừng học tập, nghiên cứu, trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp; đồng thời, có trách nhiệm và hiểu biết luật pháp để không bị “lạc lối” khi tham gia MXH. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để mang những giá trị tốt đẹp của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật vào thế giới rộng lớn của MXH, làm cho nó lành mạnh hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu con người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi nhà báo, dù trên mặt trận MXH vẫn giữ “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, từ đó mới có thể lan tỏa những điều tốt đẹp trong mỗi tác phẩm của mình, góp phần định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

Huyền Linh