Vận chuyển trái phép 7 hổ con: Để thay thế...

Vụ việc 7 cá thể hổ con Đông Dương (Panthera Tigris) trong vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã vừa bị công an tỉnh Nghệ An phát hiện khiến nhiều người băn khoăn, không rõ mục đích của các đối tượng là gì?

Hiện 7 con hổ trên đã được bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) chăm sóc.

Nhận định trước vụ việc trên, PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nói: "Hiện nay những đối tượng buôn bán hổ rất ma mãnh. Có nhiều cơ sở nuôi hổ, khi hổ con được sinh ra lại không báo cáo, khi hổ lớn bị kiểm soát thì chúng dùng hổ con vào thay thế.

Thời gian trước khi chúng tôi kiểm tra ở Nghệ an và Hà Tĩnh đã phát hiện một số cơ sở nuôi hổ ở ở khu vực biên giới và Lào.

Khi hổ mẹ sinh sản, những hổ lớn sẽ bị nấu cao nên khi thấy có sự hao hụt họ đã phải bù đắp lại bằng số lượng hổ con để kiểm soát chăm sóc. Ví dụ trong 6-7 con hổ con trên, họ sẽ đưa vào 2-3 cơ sở, mỗi cơ sở chỉ lấy 2-3 con. Hổ con chăm sóc khoảng vài tháng là bằng hoặc gần bằng những con hổ khác và được thay thế cho những con hổ đã được đem đi nấu cao. Vậy nên khi cơ quan chức năng kiểm tra họ chỉ kiểm đếm số lượng chứ không biết con hổ nào mất, con hổ nào mới được nuôi".

PGS.TS. Lê Xuân Cảnh chỉ rõ, các đối tượng lợi dụng hổ con dễ vận chuyển và khó bị phát hiện nên khi hổ còn bé đã tiến hành vận chuyển. Không có cơ sở nào đi mua hổ con về nấu cao hay ai đó mua về để làm thú cưng nên cá thể nhỏ này chỉ có mục đích để thay thế.

Việc nuôi hổ cũng khá dễ dàng, thức ăn chính của chúng là thịt, những cơ sở chỉ cần nuôi trong chuồng cọp vài tháng là chúng lớn rất nhanh. Chính vì vậy, trước những vụ việc phát hiện ra nhóm đối tượng vận chuyển hổ con như vừa rồi, công an cần làm rõ xem ai là người thuê vận chuyển và người nhận là ai để làm rõ những điểm nghi vấn.

Các cá thể hổ còn khỏe mạnh.

Cũng bàn luận về vấn đề này, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh -PCT Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ: "Hổ là loài thực sự quý hiếm và phải bảo toàn đặc biệt. Theo thống kê trên thế giới chỉ có 13 nước có hổ, Việt Nam là nước nằm trong danh sách đó. Hiện nay số lượng hổ ở nước ta rất ít và đang ở mức nguy cấp.

Có một số người nói là hổ không còn thấy nữa nhưng vụ việc vận chuyển 7 cá thể hổ con vừa rồi có thể hy vọng là hổ vẫn đẻ trong thiên nhiên. Cũng may công an phát hiện ra sự việc và đưa hổ vào trung tâm cứu hộ để chăm sóc".

Theo PCT Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá, do hổ được bán với giá rất cao nên những đối tượng bắt hổ trái phép mục đích chính là để bán chứ không phải để nuôi.

Có thể do hổ mẹ khó bắt nên chúng bắt hổ con, sau đó nuôi thêm một thời gian. Trong quá trình nuôi hổ, nếu không ai phát hiện ra thì coi như vụ việc được trót lọt, khi gặp khách họ sẽ bán. Vậy nên những người thuộc đối tượng săn trộm, buôn bán hổ trái phép là vi phạm pháp luật và phải bị công an xử lý nghiêm.

Hổ Đông Dương được liệt kê vào dạng loài nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN kể từ năm 2008.

Như thông tin trước đó, khoảng 2h sáng 1/8, Trần Trung Hiếu (37 tuổi, lái xe, trú tổ dân phố 3, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Lai (54 tuổi, trú thôn Khí Tượng, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) điều khiển xe ô tô 7 chỗ màu trắng, bên trong vận chuyển 7 cá thể hổ nặng hơn 30kg không có giấy tờ hợp pháp di chuyển từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh qua địa bàn Nghệ An tiêu thụ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiến hành “đón lõng” trên quốc lộ 1A.

Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận 7 cá thể hổ trên được một người Lào (không rõ tên) thuê vận chuyển ra địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) với số tiền công là 5 triệu đồng.

Thu Thanh