Vĩnh biệt ông- nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông!

Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông (1944-2021)

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc thực hiện giãn cách và đảm bảo yêu cầu 5K được thực hiện một cách nghiêm túc. Hà Nội đang đạt đỉnh nắng nóng những ngày này, đúng 11h30 thứ Năm ngày 3/6/2021, Lễ viếng nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã diễn ra trang nghiêm, thành kính, đầy xúc động. Lễ truy điệu và đưa tang lúc 12h45 cùng ngày, điện táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, thị trấn Văn Điển, Hà Nội.

Sau một thời gian lâm bệnh trọng, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ hết lòng cứu chữa, gia đình tận tình chăm sóc, nhưng vì tuổi cao sức yếu, nhà thơ, nhà báo, PGS.TS Vũ Duy Thông đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 13 giờ ngày 28/5/2021, tức ngày 17/4 năm Tân Sửu, hưởng thọ 78 tuổi. Ông là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944, trong một gia đình trí thức tại làng Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội. Thủa nhỏ, ông theo cha mẹ tản cư lên các vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Chính tại đây, cậu bé Vũ Duy Thông đã được tiếp thu nền giáo dục của chính thể mới. Hòa bình lần thứ nhất, anh thi đỗ vào học trường Trần Phú, là trường phổ thông cấp 3 duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc lúc bấy giờ. Là học sinh giỏi toàn diện, nhưng đặc biệt có năng khiếu về môn văn, ngày còn trên ghế nhà trường ông đã có thơ đăng trên các báo ở Trung ương và các tập sáng tác của địa phương.

Tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ và học tại Khoa Văn, Khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành một sinh viên hiếu học, tham gia sôi nổi các hoạt động ngoại khóa do khoa, trường tổ chức. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân công về Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra toàn miền Bắc, nhà báo Vũ Duy Thông vào công tác tại Hà Tĩnh, một địa bàn ác liệt của Quân khu 4. Cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng leo thang ra miền Bắc, ông lần lượt được cử đến Hải Phòng, Thái Nguyên, rồi sau đó theo bước chân của quân tình nguyện Việt Nam trong sứ mệnh quốc tế, sát cánh với nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Hình ảnh tại đám tang nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông

Ở bất cứ địa bàn nào, các đồng nghiệp đều ghi nhận tác phong làm báo xông xáo, xả thân vào những nơi khó khăn gian khổ của ông. Trong những năm tháng làm phóng viên thường trú ở miền Trung khói lửa, anh dũng chống thù, lạc quan tin yêu vào cuộc sống mới, ông đã đặt dấu ấn với bài báo về những cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Bài thơ nổi tiếng “Bè xuôi sông La” được giải thường “Thơ Báo Văn nghệ” năm 1969 và in trong sách giáo khoa qua bao lớp học trò trên ghế nhà trường.

Nhà báo Vũ Duy Thông trưởng thành, có mặt tại nhiều nơi nóng bỏng về thông tin, viết những dòng tin, bài báo mang lại dấu ấn, gây tiếng vang trong làng báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong đó, phải kể đến bài báo “Ngành than trước ngưỡng cửa báo động”, được coi là phóng sự điều tra gấy chấn động dư luận, làm rung chuyển ngành thanh với tư duy nhìn thẳng vào sự thật đằng sau những báo cáo thành tích, vốn là căn bệnh của xã hội một thời.

Trong thời gian công tác tại TTXVN từ năm 1966, ông Vũ Duy Thông đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp của ngành thông tấn, từ vị trí phóng viên trưởng thành lên biên tập viên, Trưởng Tiểu ban Công Thương, Ủy viên Ban biên tập Tin trong nước. Trong giai đoạn này và trong những năm làm quản lý báo chí sau đó, ông viết hàng nghìn bài báo, nhiều bài được tuyển chọn, in thành các tập sách in riêng như “Ký và tùy bút (1998), “Theo dòng thời sự” (2006), “Chuyện nông thôn” (2002), “Những chuyện đời thường gặp” (2002)…

Năm 1995, ông được cử giữ chức Tổng biên tập tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ” của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó được giữ chức Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, ông là một trong những người tham gia gây dựng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu gian khó, trực tiếp biên tập, viết tin. bài, đào tạo nghiệp vụ và hướng dẫn các cán bộ trẻ như một người anh, người đồng nghiệp nhiều tuổi nhưng luôn say nghề, yêu thương, trân quý đồng nghiệp. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy phẩm chất trí tuệ, kiên định quan điểm, nguyên tắc báo chí của Đảng, cống hiến xứng đáng vào mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Ngoài sự nghiệp báo chí, nhà thơ Vũ Duy Thông còn có bề dầy sáng tạo và cống hiến về thơ ca. Tiếng thơ của ông cất lên từ cuộc sống chiến đấu nóng bỏng của quân và dân ta ở tuyến lửa chống Mỹ. Ông đã chop ra đời các tập thơ in riêng: “Những đám lá đổi mầu” (1982), “Tình yêu người thợ” (1987) “Gió đàn” (1989), “Trái đất không chỉ có một người” (1993), “Chối từ cô đơn” (1998) “Một trăm bài thơ” (1999) và “Cuộc đời sẽ cứu rỗi (2003),”Du ca đời lá (2006), “Con bồ câu tha đi một cọng cỏ” (2012), “Giã biệt xa xăm” (2014), cùng hơn mười tập văn thơ cho thiếu nhi, 10 kịch bản phim, sân khấu, phim hoạt hình… Ông được đông đảo bạn đọc mến mộ, bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao, công nhận đó là một nhà thơ nổi tiếng của thế hệ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ.

Ngoài lĩnh vực báo chí, văn hóa - văn nghệ, PGS.TS Vũ Duy Thông còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Ông là tác giả của các công trình nghiên cứu được in thành sách như ”Cái đẹp trong thơ ca kháng chiến Việt Nam (1945 – 1975) được tái bản nhiều lần, “Một cửa sổ Văn nghệ” (2012), chủ biên sách “Mác - Ăngnghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản” (2004)… Trong sự nghiệp của mình, ông đã in khoảng 50 đầu sách, trong đó có 9 cuốn nghiên cứu lý luận, phê bình, được phong học vị Tiến sỹ năm 1996 và học hàm Phó Giáo sư năm 2003.

TBT Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Trần Doãn Tiến (bên phải ảnh) ghi sổ tang sau lễ viếng

Suốt đời kiên trì rèn luyện, phấn đấu, nhà thơ Vũ Duy Thông luôn luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của một Đảng viên, tận tâm tận lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giản dị, khiêm nhường. Không ngừng học tập, trau dồi nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ..xứng đáng là một trí thức tiêu biểu của Đảng, đối với đồng chí đồng nghiệp thì hết lòng tương thân tương ái, chân thành hợp tác và giúp đỡ. Ông gần gũi, chân tình, thấu hiểu trong mỗi lúc xử lý công việc, căn dặn về đạo đức, ứng xử, nhất là với những đồng nghiệp trẻ.

Trong thời gian làm tại Ban Tuyên giáo Trung ương, tại các cuộc giao ban báo chí, với cương vị Vụ trưởng Vụ báo chí – Xuất bản, ông luôn thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Ban những quyết sách, trực tiếp xử lý công việc một cách khoa học, trách nhiệm và hiệu quả, được đồng nghiệp đánh giá cao.Đối với người thân ruột thịt thì hết mực thương yêu, chăm sóc, nêu một tấm gương mẫu mực về người chồng, người cha, người ông hiền từ, nhân hậu hết lòng vì hạnh phúc của gia đình và con cháu. Lúc khỏe mạnh cũng như khi đau yếu đều cố nén nỗi đau riêng để cho những người thân yêu nhất được yên lòng. Như câu thơ của ông: “Khi ra đi, biết nhón chân thật khẽ”.

Trong sự nghiệp gần 60 năm sáng tác, với những cống hiến liên tục, bền bỉ và rất hiệu quả của mình, nhà thơ Vũ Duy Thông đã được tặng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và nhà nước. Mới đây, nhà thơ được hội đồng cơ sở của Hội nhà văn Việt Nam nhất trí cao đề nghị Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Trong dòng sổ tang tiễn biệt ông, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Trần Doãn Tiến đã viết: “Với 78 năm tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ nhà báo Vũ Duy Thông đã nêu 1 tấm gương sáng về người trí thức yêu nước, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Ông ra đi nhưng sự nghiệp báo chí và văn học của ông sẽ còn mãi với nhân dân, với đất nước, trở thành niềm tự hào của gia đình con cháu. Ông đã làm vẻ vang cho gia tộc họ Vũ bởi tài năng và đức độ của mình”.

Vậy là từ nay, ông không còn hiện diện trong trần thế này nữa. Nhưng những di sản ông để lại về thơ, về báo sẽ còn mãi. Xin thắp nén tâm nhang, thành kính tiễn dâng hương hồn ông yên nghỉ./.

Lê Anh