Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Thường Xuân

Khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh di tích – danh thắng Cửa Đạt những ngày đầu Xuân Tân Sửu.

Xác định, phong trào TDĐKXDĐSVH là một giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn; theo đó, trong quá trình triển khai phong trào, huyện Thường Xuân đặt trọng tâm là khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; nâng cao chất lượng gia đình, làng bản, cơ quan văn hóa; nâng cao mức sống và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội...

Riêng giai đoạn 2011-2020, phong trào TDĐKXDĐSVH gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới và văn hóa nông thôn mới. Trong đó, địa phương chú trọng huy động các nguồn lực xã hội hóa, cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách, để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao; cũng như đa dạng hóa các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở đạt 57,8%; số trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn là 16/16 (đạt 100%); số trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 10/16 (đạt 62,5%); số nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu phố là 100/124 (đạt 80,6%); số gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 16.266/22.874 hộ (đạt 71,1%); số thôn, làng, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa là 85/124 (đạt 71,42%); số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp huyện là 65/86 (đạt 75,6%); có 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% khu dân cư ở cơ sở xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước phù hợp với tình hình địa phương...

Những chuyển biến tích cực trong phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, phong trào đã từng bước khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 45,7%, thì đến nay, tỷ lệ này đã giảm còn 13,77%. Cùng với đó, phong trào được triển khai sâu rộng và ngày càng hiệu quả cũng góp phần phát huy tinh thần làm chủ ở cơ sở, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân bàn bạc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước phù hợp; đồng thời, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, xây dựng các tổ hòa giải, tổ an ninh thôn bản, khu phố, các câu lạc bộ tự nguyện theo giới tính, lứa tuổi... Qua đó, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự ở các làng, bản, tổ dân phố, cũng như xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, thiết thực và hiệu quả.

Vùng đất Thường Xuân được hình thành từ xa xưa, với 3 dân tộc anh em Thái, Mường và Kinh cùng chung sống đoàn kết. Với địa thế đặc biệt, đây từng là “vùng đất được chọn”, nơi Vua Lê Lợi cùng 18 vị hào kiệt tổ chức Hội thề Lũng Nhai, quy tụ nhân tâm, dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm, giành lại giang sơn. Đồng thời, quá trình định cư lâu dài, các dân tộc trên địa bàn đã gây dựng được bề dày truyền thống văn hóa giàu bản sắc. Nổi bật trong đó phải kể đến quần thể di tích – danh thắng nổi tiếng Cửa Đạt và nhiều lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, điển hình là lễ hội Nàng Han diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng. Ngoài ra, còn nhiều phong tục, tập quán liên quan đến ma chay, cưới xin, dựng nhà, hay kho tàng văn học dân gian, tri thức dân gian đã gắn liền với đời sống đồng bào qua nhiều thế hệ.

Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh các cơ chế chính sách và giải pháp đặc thù, những năm qua, huyện Thường Xuân đã gắn nhiệm vụ trên với việc thực hiện các phong trào TDĐKXDĐSVH. Đồng thời, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ đó đến nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được chọn lọc và bảo tồn. Đồng thời, từng bước loại bỏ những cái lỗi thời, lạc hậu, để dần hình thành những tập quán mới văn minh và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân