Xây dựng hoạt động lý luận phê bình VHNT để chấn hưng văn hóa

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cùng với sáng tác văn nghệ, lý luận văn hóa, văn nghệ nước ta đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập.

Nhiều công trình lý luận văn nghệ cả cổ điển và hiện đại của nhân loại đã được dịch và giới thiệu. Những vấn đề về đặc trưng, bản chất, giá trị, vai trò, chức năng và các mối quan hệ của văn nghệ được nghiên cứu, kiến giải một cách khách quan, khoa học và có luận cứ thuyết phục hơn.

"Phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, khích lệ những tìm tòi, sáng tạo”, ông Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình VHNT chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Những hạn chế, bất cập này cần được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng ta đề ra trong văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng, được nhấn mạnh trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Qua nhìn nhận, đánh giá chặng đường phát triển của văn hóa, văn nghệ Việt Nam nói chung, lý luận, phê bình VHNT nói riêng trong nửa thế kỷ qua, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu định hướng, để góp phần chấn hưng, phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước, thời gian tới, phải tiếp tục xây dựng hoạt động lý luận, phê bình VHNT phải là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ đồng thời là một bộ phận trong công tác lý luận chính trị của Đảng.

Công tác lý luận, phê bình VHNT cũng cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với phát triển; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, văn nghệ, con người.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, hội thảo nhằm nhìn nhận đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam, đặc biệt là công tác lý luận, phê bình để thêm một lần nữa nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ.

“Hội thảo huy động tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình VHNT trong hoạt động thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, văn nghệ sĩ, có cả chuyên gia nước ngoài gửi tham luận như PGS.TS Anatoly Sokolov, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, để khắc phục được tình trạng thiếu đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đào tạo được lực lượng hoạt động chuyên nghiệp nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển công tác lý luận, phê bình thời gian tới, cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận, phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các nhà lý luận, phê bình…

Tình Lê