Xây dựng kè phòng chống lũ lụt sông Cà Ty

Sáng 2/3, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cùng với lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã thực hiện chuyến khảo sát vị trí dự kiến xây dựng dự án kè phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết (bờ tả sông đoạn từ cầu Dục Thanh đến cầu Bát Xì). Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng làm việc với đơn vị liên quan về phương hướng triển khai dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An làm việc với đơn vị liên quan về phương án xây dựng kè phòng chống lũ lụt sông Cà Ty.

Dự án Kè phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty có mục tiêu bảo vệ, giữ ổn định bờ sông, cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị khu vực đối diện khu Bảo tàng Hồ Chí Minh; tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho thành phố Phan Thiết. Khi dự án tổng thể hình thành sẽ tạo mặt sông thông thoáng, đáy sông luôn ngập nước kể cả khi triều thấp nhằm cải tạo cảnh quan vệ sinh môi trường và phát triển các hoạt động văn hóa, du lịch và thể dục thể thao.

Tại buổi khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cũng trao đổi với những hộ dân sinh sống nơi đây về định hướng của tỉnh trong việc di dời, tái định cư để đảm bảo cuộc sống người dân được tốt hơn, an toàn hơn.

Đa số người dân cho biết, phần đông dân cư tại đây chủ yếu làm nghề đi biển và sống lâu năm ở khu vực này, đồng thời chấp nhận thực hiện di dời, tái định cư theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, người dân mong muốn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống tại nơi ở mới hoặc là thuận lợi cho việc làm nghề biển của người dân…

Vị trí dự kiến xây dựng kè phòng chống lũ lụt sông Cà Ty là hàng nghìn hộ dân sinh sống với điều kiện thiếu thốn, ô nhiễm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, dự án có quy mô công trình gồm xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ sông dài 440m, từ thượng lưu cầu Dục Thanh hướng về cầu Bát Xì.

Hiện có 4 phương án được đưa ra xem xét. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến của 4 phương án thấp nhất là 19.266 m2, cao nhất là 36.769 m2; số căn nhà giải tỏa thấp nhất là 320, nhiều nhất là 766; tổng mức đầu tư thấp nhất là 304 tỷ đồng, cao nhất là 675 tỷ đồng. Tại các phương án điều có bố trí đất tái định cư cho người dân sinh sống ổn định và an toàn.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nêu rõ, việc triển khai xây dựng dự án là một trong những nhiệm vụ quan trọng và tiến hành trong thời gian sớm nhất. Không thể để người dân tiếp tục sống trong điều kiện thiếu thốn, ô nhiễm, tạm bợ kéo dài và nhiều thế hệ con cháu sau này phải tiếp tục sống trong cuộc sống như vậy trong lòng thành phố.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trao đổi với những hộ dân sinh sống tại vị trí dự kiến xây dựng Kè phòng chống lũ lụt trên sông Cà Ty.

Nếu không triển khai quy hoạch xây dựng là lãnh đạo tỉnh có lỗi với người dân. Việc đầu tư xây dựng góp phần chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại và những giá trị lâu dài về sau. Đối với nguồn vốn đầu tư, tỉnh sẽ làm việc với đơn vị liên quan và có phương án cụ thể.

Tại vị trí dự kiến xây dựng Kè phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty là cuộc sống tạm bợ của hàng nghìn hộ dân trên sông. Các hộ dân sinh sống tại đây vô cùng thiếu thốn, ô nhiễm và nhếch nhác, việc đi lại cũng khó khăn với những con đường tạm bợ trên sông. Nếu có lũ bất ngờ dâng cao trên sông Cà Ty thì những hộ dân sẽ là những người bị thiệt hại đầu tiên. Bên cạnh đó, với những căn nhà tạm bợ không đảm bảo an toàn khi có mưa bão xảy ra.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)