An sinh song hành

Ngày đầu tiên Hà Nội triển khai chỉ thị 17/CT-UBND, thực hiện giãn cách xã hội, sáng 24/7, tài khoản NguyenBa Luong trên Facebook đăng dòng trạng thái: “Em định làm một quầy phát tặng thực phẩm cho bà con tại vị trí này (158 Mai Dịch, Cầu Giấy),… ví dụ bữa trưa, bánh mỳ, nước,… Ai có kinh nghiệm thì góp ý nhé…”.

Người chủ tài khoản cùng những bạn xốc vác và giàu kinh nghiệm đã bắt tay triển khai. Từ chiếc thùng mica nhỏ đặt ở đầu phố Trần Hưng Đạo, một số điểm phát đồ ăn miễn phí nữa nhanh chóng xuất hiện trên địa bàn Hà Nội. Rồi một nhóm nấu những suất cơm dành cho bệnh nhân và cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Hà Nội (bệnh viện đầu tiên tại Hà Nội trong đợt này phải cách ly y tế); nhóm khác trao thực phẩm cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố... “Cho là Nhận” – nhóm thiện nguyện online thành lập từ các sáng kiến này, là nơi đón các tấm lòng hảo tâm đồng thời nhận và đáp ứng lời mọi khẩn cầu hỗ trợ của người dân địa bàn Thủ đô trong đợt dịch căng thẳng lần này.

Một điểm phát mì gói, nước uống cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội. Ảnh: Nhóm "Cho là Nhận"

Đến nay, hết đợt giãn cách đầu, sang giai đoạn kéo dài giãn cách xã hội tại Hà Nội, cứ khi nào quỹ của nhóm hết tiền, thì lại có người gọi đến tặng tạ rau, tạ gạo, mấy trăm suất xôi, bánh mì, thùng mì tôm, cháo ăn liền.., để nhóm tiếp tục hàng ngày phát tới từng điểm dân cư đang khó khăn, tới những người lao động mất việc, sinh viên mắc kẹt tại ký túc xá, các nhóm thợ tại công trường…

Cũng tại Hà Nội, trong đợt giãn cách này, nhóm thiện nguyện “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch” đã nhanh chóng phát triển đến gần 33.000 thành viên. Đây là nơi những hoàn cảnh khó khăn được gặp các tấm lòng hảo tâm. Người có điều kiện thì san sẻ hàng triệu, chục triệu đồng; người có nhà thì cho ở nhờ; có người chỉ ăn cơm một mình nhưng sẵn sàng nấu thêm mỗi bữa 5-6 suất cho những ai vô gia cư ở gần cùng chung bữa… Đùm bọc đúng nghĩa đồng bào, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong đợt dịch cam go này, trước các nhóm thiện nguyện kể trên tại Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, nhóm “Giúp nhau mùa dịch” thực sự tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, có lúc lên tới hơn nửa triệu thành viên. Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, những lời khẩn cầu do thiếu đồ ăn, do thiếu thuốc men, dụng cụ y tế, cần được vận chuyển tới bệnh viện… từ những căn hẻm nhỏ đã được các cá nhân hảo tâm kịp thời tiếp ứng. Vào giai đoạn ngành y tế quá tải, những ca bệnh đột ngột trở nặng trong khi cán bộ y tế chưa kịp tới nơi, thì những bác sĩ ở xa hoặc những bệnh nhân từng điều trị khỏi đã tình nguyện túc trực để “thăm khám online”, hướng dẫn phương pháp chăm sóc, theo dõi sức khỏe, giảm gánh nặng cho các bệnh viện điều trị.

Ca sĩ Thái Thùy Linh xông pha nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh, phát quà và nhu yếu phẩm cho đồng bào. Ảnh: FB ca sĩ Thái Thùy Linh

Cũng trong giai đoạn này, ca sĩ Thái Thùy Linh từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, khởi xướng và cùng đội nhóm thực hiện chiến dịch “Người Việt thương nhau”, đến tận từng khu dân cư tặng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ người lao động nghèo chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tại TP Hồ Chí Minh, dân cư “Xóm Công viên Hạnh Phúc” của nhà báo Nguyễn Đức Hiển đã cùng nhau mua thực phẩm, chia thành các gói nhỏ chở đi phát tặng đồng bào tại những khu phong tỏa, khu cách ly, xóm trọ nghèo... Những suất ăn, gói gạo, mớ rau đã được sẻ chia để không ai bị đói giữa đại dịch…

Đội hỗ trợ Xóm Công viên Hạnh Phúc giao thực phẩm tới những hộ dân khó khăn vì dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: FB nhà báo Nguyễn Đức Hiển

Không thể liệt kê hết những tổ, nhóm thiện nguyện được nhen nhóm, phát triển và duy trì bền bỉ trong suốt những tháng ngày này, tại các địa phương. Hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ sự đồng cảm, xót thương giữa con người và con người, rất nhiều tấm lòng nhân ái trên mạng xã hội đã bước ra đời thực, mang những món quà vật chất và tinh thần trao gửi yêu thương, kịp thời cứu trợ những mảnh đời cơ cực. Với số lượng lớn các trường hợp kêu cầu, cũng có những nhầm lẫn, nhưng cơ bản các suất quà từ thiện đã đến đúng nơi, đúng lúc, giúp được người đương cần kíp.

Quan trọng hơn nữa, là khi dịch bệnh bủa vây, có lúc, có nơi chính quyền và ngành y tế đang tập trung nhân lực và vật lực cho công tác dập dịch, thì những hoạt động thiện nguyện này đã hỗ trợ kịp thời, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu, giúp người dân có đủ miếng ăn khi đói, yên tâm thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ quy định cách ly y tế. Những người lao động nghèo, những số phận mong manh trong đại dịch đã không còn cô đơn khi song hành cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, luôn có những tấm lòng nhân ái, sẻ chia của các đội nhóm thiện nguyện.

Hiện nay, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có nơi vẫn hết sức căng thẳng. Những tấm lòng “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” mang nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, đã hợp thành đạo quân xung kích và hiệu quả, góp phần đắc lực vào cuộc chiến của đất nước chống lại “kẻ địch” COVID-19.

Có ý kiến đề xuất rằng khi hết dịch bệnh, cần tuyên dương những cá nhân, hội nhóm đã kịp thời đứng lên phát động và thực hiện các chương trình thiện nguyện vì đồng bào khó khăn trong đại dịch. Thực ra, ngay tại thời điểm này, mỗi con dân Việt Nam, trong đó có cả những người chưa cần tới cứu trợ, vẫn luôn dành sự biết ơn đối với những cá nhân đang xông pha giúp đỡ các mảnh đời khó khăn. Và dù có được tuyên dương hay không, thì hết dịch, chủ tài khoản NguyenBa Luong chắc chắn lại tiếp tục các bữa chay 5.000 đồng và công việc kinh doanh của mình; ca sĩ Thái Thùy Linh lại tiếp tục các chương trình ca nhạc và các hoạt động xã hội ; nhà báo Nguyễn Đức Hiển lại tiếp tục các trang phóng sự điều tra… Cùng rất nhiều những nhà hảo tâm khác, họ lại cần mẫn lao động, sản xuất, tích lũy để sẵn sàng cho đi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. Họ vẫn song hành tại đây, trong xã hôi này vào bất cứ khi nào đồng bào, Tổ quốc cần để tiếp tục sẻ chia với tấm lòng nhân ái.

Thùy Hương