Bỏ qua nguyên tắc sinh tồn

Thời gian đầu làm truyền hình, tôi rất sợ khi phải tới hiện trường những vụ cháy nhà dân. Khoảng 3 năm theo mảng cháy nổ của kênh truyền hình ANTV, tôi chứng kiến rất nhiều những vụ hỏa hoạn gây chết cả gia đình nạn nhân. Những vụ việc như vậy, nếu đủ độ lì để theo chân lực lượng cứu hộ vào sâu bên trong hiện trường, phóng viên sẽ “được” chứng kiến những cảnh tượng nhiều khi sốc đến óc.

Những đồng nghiệp báo viết thường đưa vào bài phóng sự, tường thuật các chi tiết kiểu như “không tìm được lối thoát khỏi đám cháy, mẹ ôm con che chở; cả gia đình vẫn nắm chặt tay nhau đến phút cuối cùng trước khi chết…”.

Nhưng nhóm phóng viên truyền hình chúng tôi thì rất hãi phải ghi lại những cảnh tượng đó bằng hình ảnh. Thường thì phải là những quay phim rất “cứng” nghề mới bấm được những cảnh quay để khán giả không thấy quá bi thương, nhưng đồng thời vẫn phải lột tả được mức độ nghiêm trọng của những vụ hỏa hoạn như vậy.

3 năm, tôi không thể nhớ nổi đã trực tiếp tới bao nhiêu vụ cháy nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều gia đình phải chết chùm. Và điều ngạc nhiên là những vụ cháy như vậy, lại xuất hiện khá đều đặn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương… nơi người dân có được tiếp cận với tin tức, truyền thông nhiều hơn ở thôn quê.

Đôi khi, có những giai đoạn nhóm phóng viên cháy nổ chúng tôi nói với nhau, mình đang đưa tin như cái máy. Khi biên tập tin cháy xảy ra đều đều, phóng viên thường đẩy lên những con số thiệt hại về nhân mạng lên trước. Ở phía người đọc, người xem tin tức hình ảnh hỏa hoạn, đa phần mọi người cũng thường hỏi, vụ đó có bao nhiêu người chết. Sau 1,2 hôm những tin tức này lại nguội đi nhanh chóng.

Nói đến hỏa hoạn gây chết nhiều người tại Hà Nội, không thể không nhắc tới vụ cháy quán Karaoke trên đường Trần Thái Tông năm 2016. Đây là vụ việc thương tâm bậc nhất khi có tới 13 người chết. Ở đám cháy này mặc dù lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tới khá nhanh nhưng không có cách gì đưa được nạn nhân ra ngoài. Tất cả mặt thoáng của căn nhà phố đó đã bị biển quảng cáo điện tử hàn kín, không có bất cứ kẽ hở nào để nạn nhân thoát ra ngoài.

Sau vụ cháy đặc biệt kinh hoàng này mới thấy được một sự chuyển biến đột phá. Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã ra quân một cách quyết liệt, quản lý gắt gao để không cho biển quảng cáo cỡ lớn rào kín mặt tiền, bancon của các ngôi nhà mặt phố, đặc biệt là tại các quán karaoke. Từ đó nguy cơ cháy không lối thoát tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như cửa hàng, quán hát... mới được giảm thiểu.

Quay trở lại vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng, ngay tại khu phố Tôn Đức Thắng, TP Hà Nội ngày 4/4 vừa qua. Đó là một ngôi nhà kín mít, chỉ có một lối ra vào đồng thời cũng là lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính tại tầng 1. Nhưng tầng 1 cũng là nơi dùng chứa hàng hóa như quần áo, bỉm, tã trẻ em. Tầng trên cùng là chuồng cọp được hàn kín, rất chắc.

Khi đám cháy xảy ra ở tầng 1, toàn bộ ngôi nhà 4 tầng trở thành một cái lò hun khói đích thực. Nạn nhân hoàn toàn không có cơ hội sống sót dù đã leo lên đến tầng cao nhất.

Theo thống kê của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 500.000 căn nhà ống, trong đó, khoảng 120.000 nhà có kết hợp sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, rất nhiều nhà trong số này không có lối thoát hiểm.

Nhiều năm qua các cơ quan chức năng loay hoay tìm giải pháp với các căn nhà kiểu này để ngăn cháy nổ gây chết người. Nhưng giải pháp khả dĩ nhất cũng chỉ là tuyên truyền để thay đổi nhận thức. Tuy nhiên có thể nói, nhận thức về phòng cháy chữa cháy của người dân đang thay đổi rất chậm.

Thậm chí, như tại khu phố Tôn Đức Thắng có ngôi nhà vừa xảy ra hỏa hoạn, khi phóng viên đi ghi nhận thực tế thì hầu như không có thay đổi ở những hộ dân xung quanh, tức là các hộ dân vẫn trung thành với ngôi nhà có một cửa duy nhất.

Một đội trưởng đội cảnh sát PCCC công an TP Hà Nội đã từng chia sẻ với tôi, khổ lắm em ạ, nếu đám cháy xảy ra, mà do tắc đường hoặc do đường ngõ nhỏ hẹp bọn anh không tới kịp là hôm đó rát mặt với người dân, với cộng đồng mạng ngay.

Nhưng họ người đâu có hiểu, có không ít những buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, khu chung cư cao tầng, có nhiều người dân còn thuê ô sin đi tập huấn thay, hoặc tìm mọi cách để trốn học.

Việc đi học đã “chấm chơ” như vậy thì nói gì tới thay đổi thiết kế để phòng ngừa hỏa hoạn. Những cái cửa thoát hiểm của nhà dân này, chỉ có thể tuyên truyền để người dân tự làm thôi chứ không cưỡng chế xử lý như các cơ sở kinh doanh dịch vụ được. Tuyên truyền với người dân thì phải mềm mỏng, nhưng mềm mỏng nhiều khi cũng chẳng được việc. Tính mạng, sức khỏe của mình mà đôi khi cứ như chuyện đùa, xảy ra ở đâu đâu, thần hỏa tuyệt đối sẽ chừa nhà mình ra?!

Và như vậy, khi cơ quan chức năng chưa có giải pháp cho “nhà ống không lối thoát”, việc cảnh báo nguy hiểm tới cộng đồng thông qua những vụ tai nạn kinh hoàng như vừa xảy ra cũng chẳng mấy phát huy tác dụng… thì nguy cơ thành phố còn phải đối mặt với những kịch bản cháy nhỏ nhưng chết nhiều người sẽ còn xảy ra, đặc biệt là khi mùa nắng nóng đang tới gần

Hoàng Việt

Hoàng Việt