Chở bao ký ức tuổi thơ về văn hóa và ẩm thực Hà Nội

Tàu điện bánh hơi

Dự án "Tuyến tàu điện số 6" (Line 6) tại Khu phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Trung Nguyên

Hệ thống tàu điện à Nội xưa chạy theo mô hình hướng tâm, với nhà ga trung tâm đặt tại hồ Hoàn Kiếm. Mạng lưới tàu điện cùng với nhiều công trình mang dáng dấp Tây phương bao bọc xung quanh Hà Nội nhưng lại không hề làm mất đi vẻ đẹp của những Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, nhà Thủy Tạ… vẫn đứng đó uy nghiêm và tinh khôi soi bóng trên mặt nước Hồ Gươm. Những biểu tượng mang đậm tinh thần và vẻ đẹp Việt không hề bị lu mờ, phai nhạt mà dường như được tôn vinh hơn, sống động và giá trị hơn trong lòng phố Pháp tạo nên một Thủ đô nhiều tầng văn hóa những năm tháng ấy.

Ngày nay, Dự án “Tuyến tàu điện số 6” (Line 6) là mô hình trải nghiệm du lịch mới tại phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) xuất phát từ ý tưởng kết nối lịch sử với hiện tại bằng những chuyến tàu, khi Hà Nội đã từng có mạng lưới tàu điện mặt đất với 5 tuyến, chạy từ những năm 1901 đến năm 1991.

Đặc biệt trong những năm 1984 - 1985, Công ty Xe điện Hà Nội đã sản xuất tàu điện bánh hơi, chạy trên hệ thống lốp hơi và trông như những chiếc ô tô. Khác với tàu điện bánh sắt, tàu điện bánh hơi không chạy trên đường ray mà có thể chạy trên bất cứ tuyến phố nào nếu có giăng hai đường điện một chiều.

Bước vào không gian của “Tuyến tàu điện số 6”, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng, trải nghiệm và thấm đẫm trong sự đa dạng của văn hóa trà Việt. Tại đây, chúng ta được tìm hiểu về nguyên liệu, công thức, dụng cụ, sản phẩm, phương pháp chế biến ẩm thực. Dấu ấn đặc sắc nhất của “Không gian văn hóa trà Việt” là được trực tiếp tìm hiểu nguyên liệu các loại chè trứ danh của Việt Nam cùng trải nghiệm về văn hóa uống trà, khám phá sản phẩm chè truyền thống.

Từng toa tàu điện của dự án văn hóa ẩm thực “Line 6” như một “Bảo tàng mini” về ẩm thực, tạo không gian giới thiệu về những món ăn, thức uống đặc sắc của Việt Nam như: trà, cà phê, phở, bánh mỳ… được thiết kế 2 tầng, với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, lồng ghép nhiều chi tiết của văn hóa dân gian. Tầng 1 trưng bày các hiện vật, tranh, ảnh, tài liệu… giúp khách du lịch tìm hiểu về nguyên liệu, công thức, công cụ, phương pháp chế biến các sản phẩm thực phẩm; tầng 2 là khu vực được dành cho du khách trải nghiệm thực tế các sản phẩm...

Với nhiều thế hệ người Hà Nội xưa, những chuyến tàu điện thong dong trên 5 tuyến đường hướng về Bờ Hồ - trái tim của TP, đã trở thành một hình tượng văn hóa của Thủ đô. Chính là ký ức tuổi thơ về văn hóa và ẩm thực của Hà Nội, đã đồng hành cùng họ suốt chặng đường dài. “Chuyến tàu điện số 6” là tiếp nối 5 tuyến tàu điện trong quá khứ. Hình ảnh những toa tàu lăn bánh trên đường phố Hà Nội nhuốm đầy bụi thời gian hiện qua những thước phim tư liệu, hay trên sân khấu và các tác phẩm nghệ thuật… lại khơi dậy nỗi nhớ khôn nguôi về một thời đã qua.

Với mức đô thị hóa ngày càng mạnh, có vẻ như những nét văn hóa xưa của Hà Nội dần mai một. Hình ảnh tàu điện cùng những tiếng leng keng không còn nữa, thay vào đó, xe buýt, xe máy, ô tô, các tuyến đường sắt trên cao giải quyết nhu cầu dịch chuyển nhanh chóng, tiện lợi và vươn tới mọi con ngõ nhỏ của TP. Sự ra đời của Dự án “Tuyến tàu điện số 6” khiến cho không ít người có cơ hội hoài cổ và mong rằng trong tương lai Dự án sẽ được đầu tư, quan tâm và thành công hơn nữa.

Xuân Mai