Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Hà – Đinh Thị Vui (ảnh chụp năm 2007).
Tôi tới thăm vợ chồng chị Đinh Thị Vui - Giáo viên trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) vào một sáng Chủ nhật. Anh Nguyễn Văn Hà chồng chị, đã ra tận quốc lộ để đón.
Đó là một người đàn ông dáng cao gầy, da trắng xanh, mái tóc đen cắt ngắn, gương mặt khắc khổ, như lúc nào cũng buồn phiền và thiếu tự tin.
- Mời anh vào nhà chơi. Vợ tôi có chút việc bận trên trường, cũng sắp về rồi – Anh Hà ân cần mời khách và giải thích – Nhà chỉ có hai vợ chồng, các cháu đã lớn đang đi học xa, vắng vẻ lắm...
Sau chén trà nóng, vốn cùng là cựu chiến binh, nên rất dễ đồng cảm và cởi mở trong câu chuyện. Tôi giải thích ngắn gọn mục đích chuyến viếng thăm nhà và công việc mình đang làm. Anh Hà xua tay, rồi trầm ngâm:
- Giờ anh đã nhiệt tình tìm về tận đây, thì tôi cũng xin tâm sự hết lòng mình, chẳng muốn giấu nữa. Và cũng xin được nói ngay: Tôi kể chuyện này không phải chỉ cho riêng tôi, mà còn nói hộ bao người khác có hoàn cảnh như mình...
Tôi biết Nguyễn Văn Thạc như thế…
Tôi sinh năm 1953 ở xã Hợp Hưng (Vụ Bản, Nam Định). Cha mẹ tôi sinh được 6 chị em, nhưng chỉ có tôi là con trai duy nhất. Gia đình đều làm ruộng ở quê, nên theo truyền thống từ bao đời, các cụ rất muốn tôi lấy vợ sớm, sinh cháu để có người nối dõi. Nhưng vừa tròn 18 tuổi, như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi đã lấy máu viết đơn xung phong đi bộ đội ngày 22/8/1971.
Sau khi kết thúc huấn luyện tân binh ở Thạch Thành (Thanh Hóa), tôi được điều về Sư đoàn 325, bổ sung quân cho Trung đội Thông tin của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, đóng quân ở Chí Linh (Hải Dương). Cũng tại đây, tôi đã biết Nguyễn Văn Thạc. Hồi đó, tôi ở tiểu đội hữu tuyến, còn Thạc ở tiểu đội vô tuyến.
Trong rừng bạch đàn tại xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang năm xưa, lán đóng quân của tôi và Thạc chỉ cách nhau khoảng 10 mét, nên chúng tôi thường xuyên sang chơi thăm nhau. Mấy anh lính Hà Nội, ai cũng thông minh, nghịch ngợm, nên thường gây ấn tượng và rất dễ nhớ.
Tháng 4/1972, chúng tôi cùng lên tàu, hành quân vào chiến trường. Khi tàu tới ga Quán Hành, chưa tới thành phố Vinh, thì đường phía trước bị hỏng, do máy bay Mỹ vừa ném bom, tất cả phải xuống hành quân bộ. Trên vai mỗi anh lính chúng tôi lúc đó đeo ít nhất cũng khoảng trên 30 kg. Người nào cũng ba lô chằng buộc căng phồng, lại còn 7 kg gạo, đường, sữa tiêu chuẩn...
Tôi còn nhớ là Thạc và Y chung nhau một máy thông tin 2W, 1 khẩu súng AK và 4 băng đạn. (Riêng cái máy thông tin đã nặng 21 kg, không kể ắc quy dự phòng, Thạc khỏe hơn, nên thường vác hộ cho Y). Còn lính thông tin hữu tuyến như tôi, ngoài ba lô tư trang, thì người nào cũng phải đeo thêm máy điện thoại và 2 cuộn dây nặng khoảng 15 kg...
Vậy mà chúng tôi đã hành quân bộ mấy trăm cây số, vừa chuyển quân, vừa tranh thủ luyện tập. Sau khi vượt qua Đèo Ngang, chúng tôi đã phải đi xuyên rừng miền Tây Quảng Bình...
Đầu tháng 6/1972, chúng tôi qua Đồng Lộc. (Đây cũng là thời điểm Nguyễn Văn Thạc ghi chép những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi nổi tiếng sau này). Chúng tôi vào đến thị xã Đông Hà ngày 10/7/1972. Đơn vị được nghỉ một tuần để củng cố, muốn có gạo ăn phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới lấy được ở Kho Đường 9.
Đêm 29, rạng sáng ngày 30/7/1972, cả Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh từ Triệu Phong vượt sông Ba Lòng để vào Thành Cổ. Tôi nhớ, vì trời mới mưa xong, nên mặt sông rất rộng và nước chảy xiết. Bộ đội vượt sông trong lúc máy bay địch vẫn bay lượn, gầm rú trên không, và pháo của chúng từ các nơi vẫn liên tục bắn vu vơ vào trận địa của ta...
Thạc đã hy sinh, còn tôi bị thương cùng một ngày
Khoảng 8 – 9 giờ sáng, Thạc, Y, và tôi nhận được lệnh xuống Đại đội 1 (xa khoảng 1 cây số) phục vụ chiến đấu. Tôi vừa nghe tiếng Thạc và Y gọi tên mình để cùng đi, nhưng chưa kịp lên khỏi hầm chữ A, thì một loạt đạn pháo của địch chụp xuống. Trận pháo kích ấy kéo dài khoảng 15 phút, khói lửa khét lẹt, tai ù đặc... Mãi sau, có tiếng ai đó kêu lên thất thanh: “Thằng Y và thằng Thạc bị rồi!”.
Khi tôi tới nơi thì anh em đã khênh Thạc và Y vào hầm. Y bị mảnh pháo cắt đứt một cánh tay, còn Thạc thì bị gãy nát một bên đùi. Máu ra nhiều lắm. Quân y chưa kịp đến, tất cả cứ cuống cả lên với việc garô, băng bó cho thương binh...
Thạc rất tỉnh. Mà tỉnh như thế là nguy hiểm, dễ chết lắm. Đồng đội định khênh Thạc về tuyến sau, nhưng không kịp nữa rồi. Anh thều thào nói với người đang cấp cứu mình vài câu gì đó, nghe không rõ, rồi tắt thở.
Mặc dù đã nhiều lần chứng kiến đồng đội bị thương vong, nhưng trường hợp của Thạc và Y vẫn khiến tôi bàng hoàng. Nguyễn Văn Thạc là chiến sĩ đầu tiên của B Thông tin hy sinh. Chính tôi và anh Tuyến - A trưởng của Thạc-đã cùng vuốt mắt cho Thạc. Chúng tôi đã khóc rất nhiều. Buổi trưa ấy, nhiều anh em buồn quá, bỏ cả bữa ăn.
Đầu giờ chiều, tôi nhận được lệnh cùng một chiến sĩ mới được bổ sung về đơn vị đi mai táng liệt sĩ. Chúng tôi cẩn thận gói thi hài Thạc trong một tấm tăng ni-lông, cuốn nhiều vòng dây dù xung quanh, rồi khênh ra khỏi hầm chữ A.
Định đi xa một chút, tìm chỗ cao ráo, nhưng pháo địch bắn quá rát. Nên khênh được khoảng hơn trăm mét, thì tới một khu vườn trồng mấy cây mít, cạnh một rặng tre, thấy có hai ngôi mộ mới, chúng tôi quyết định dừng lại để mai táng Thạc tại đó.
Chúng tôi đã đào huyệt rất khó khăn và vất vả. Bởi đất cứng, lại chỉ có xẻng, cuốc quân dụng cá nhân loại nhỏ, nên phải mất hàng tiếng đồng hồ mới xong, hố huyệt không sâu lắm. Vừa đào, chúng tôi còn phải tránh pháo địch bắn liên hồi, mảnh đạn rít veo véo trên đầu...
Khi nấm mộ đã hình thành, sắp dựng bia, thì lại thêm một loạt đạn pháo nổ quanh chỗ chúng tôi. Bỗng tôi thấy lạnh buốt dưới đùi phải và háng, đầu óc choáng váng, nhìn xuống đã thấy máu đỏ tươi ướt đẫm hai ống quần. Tôi gục xuống. Khi tỉnh dậy, thấy mình đã nằm trong căn hầm chữ A, cạnh anh Y, đúng nơi đã đặt thi hài của Thạc trước đó.
Y tá Đỗ Minh Quang, người đã băng bó vết thương cho tôi ngày ấy, (sau là Đại tá, bác sĩ Chủ nhiệm khoa của Viện Quân y 354 Quân đội) cũng đã cùng anh Nguyễn Văn Thục, anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, đến thăm gia đình tôi ở Ninh Bình. Anh Quang đã nhớ lại và kể bổ sung cái ngày đẫm máu đó như sau:
...Tới giữa đoạn trống thấy Thạc 2 tay ôm sau đầu, nhắm mắt, nằm bất động, đùi trái máu loang thành vũng. Cách hơn 1m, Y đang lăn lộn, tay phải ôm vết thương ở sát vai trái. Được bị thương vùng cổ, mặt. Bình bị bết thương vào đầu, nhìn thấy não trắng lòi ra. Mình vội vàng băng cách tay cho Y. Cùng lúc đó tốp trên quay lại, anh em trong trung đội ùa đến. Chương thấy Thạc nằm im hỏi: "Quang, Thạc chết rồi à?". Bỗng nhiên Thạc mở mắt nói: "Thạc chưa chết đâu, nhưng tỉnh thế này là sắp chết rồi. Chỉ tiếc nhiều việc chưa làm được. Các bạn trả thù cho mình". Mình đưa vội cho người khác băng bó cho Y, xé cuốn băng làm ga rô đùi cho Thạc, nhưng lúc ấy còn máu chảy đâu...Tiếp tục băng cho Được; quấn băng làm bát úp vào đầu cho Bình. Mọi người chuyển các thương binh về trạm phẫu tiểu đoàn. Thạc rất nặng được đặt trên tấm phản cứng ngay miệng hầm phẫu. Y sỹ tiểu đoàn chọc ven truyền nước cho Thạc. Pháo lại bắn, mọi người tản ra. Quang và Chương nán lại bên Thạc. Chương động viên "Cố lên Thạc nhé, bọn mình vẫn ở đây bên bạn". Thạc ko nói gì chỉ cựa, vặn mình, dướn lên tồi từ từ xuôi tay. Lúc ấy giữa trưa khoảng12h - 13h. Hai thằng vuốt mắt cho bạn. Sau đó cùng các đồng đội lau chùi, thay bộ quần áo mới, kiến lọ penicilin dùng bút chì đề tên tuổi nhét vào áo ngực chuẩn bị chôn cất.
Trung đội cử mỗi tiểu đội 1-2 người ra đào huyệt chôn Thạc. Một lính của tiểu đội hữu tuyến (anh Hà) đang dạng chân cuốc đất, bất ngờ pháo nổ từ phía sau, mảnh văng lên trước qua giữa 2 đùi làm bay mất phần quan trọng nhất của đàn ông! Mình ko biết băng thế nào đành bịt bừa khênh lên trạm phẫu. Pháo cứ thế cầm canh bắn vào làng Đầu Kênh. Lệnh của tiểu đoàn tạm dừng để tối tiếp tục đào hố chôn tránh thương vong...
Tối chôn Thạc xong về hầm, không ai muốn cơm nước gì cả. A Tuyến lên d bộ hội ý, chờ mãi không thấy về. Quang và Huệ mỗi thằng nằm một góc hầm, im lặng, nặng nề. Bỗng có tiếng gọi, chui ra thấy liên lạc tiểu đoàn báo: A Tuyến bị thương đang ở trạm phẫu tiểu đoàn, đưa ba lô chuyển cho anh ấy. Thế là ngày 30 tháng 7 tiểu đội mất đi 5 người, trong đó có 4 sinh viên...
Tối hôm ấy, đơn vị định chuyển thương binh về tuyến sau ngay, nhưng pháo địch bắn nhiều quá, không đi được. Phải đợi gần sáng, anh em mới khiêng chúng tôi ra được tới Cửa Việt. Mấy ngày sau, chúng tôi được nằm ca nô ra Vĩnh Linh, đi tiếp ra Quảng Bình, rồi Nghệ An... điều trị vết thương ở Quân y viện 4. Cuối năm đó, tôi về an dưỡng ở Phủ Lý...
Tháng 10/1973, tôi được chuyển ngành, đi học Trung cấp Tài chính ở Hải Dương. Tháng 9/1976, tôi về công tác ở Phòng Tài chính huyện Gia Khánh (nay là Hoa Lư), tỉnh Ninh Bình...
Nhưng nếu chuyện chỉ có vậy, thì cũng chưa có gì đáng nói. Tôi cũng không muốn anh viết lại làm gì, kẻo lại mang tiếng là mình đã “ăn theo” sự nổi tiếng của nhật ký "Mãi mãi tuổi 20"...
Gia đình anh Hà, chị Vui xuân Đinh Hợi - 2007
Bi kịch đến từ đêm tân hôn…
Năm 1984, tôi xây dựng gia đình với một nữ nhân viên của cơ quan huyện. Vợ tôi là một cô gái đã tốt nghiệp đại học. Ai cũng bảo chúng tôi xứng đôi và vừa lứa. Họ đã cầu chúc cho chúng tôi hạnh phúc bên nhau suốt đời.
Khỏi phải nói, cha mẹ già của tôi đã mừng vui tới mức nào. Ông bà đều tin rằng sau bao năm mong đợi, nay đã sắp có cháu nội để bế bồng. Vì thế, vợ tôi đã được cả họ nhà chồng quý mến, trông đợi và đặt hết niềm hy vọng vào cô ấy.
Nhưng cũng ngay đêm tân hôn đó, tôi mới phát hiện ra điều bất hạnh lớn nhất cuộc đời mình: Vết thương ở chỗ oái oăm kia, đã khiến tôi vĩnh viễn mất đi khả năng làm chồng. Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng đều bất lực. Chiến tranh đã cướp đi thiên chức đàn ông vốn có của tôi từ hàng chục năm rồi, mà tôi không biết.
Lúc đầu, vợ tôi tưởng chồng mình bị mệt sau ngày cưới căng thẳng, lại là chuyện tế nhị, nên cô ấy cảm thông và không nói gì. Nhưng mấy ngày sau, tôi đành phải nói ra sự thật. Từ ngỡ ngàng, đến thất vọng ê chề. Vợ tôi chỉ biết vùi đầu vào chăn gối mà khóc...
Đó là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Cuộc sống vợ chồng nặng nề như địa ngục. Tổ ấm hạnh phúc lạnh lẽo dần. Đi làm thì thôi, về tới nhà, chúng tôi không nói với nhau một lời.
Tôi tự thấy mình là người có lỗi với vợ. Không, phải là có tội mới đúng. Tại sao tôi lại không biết thiên chức đàn ông của mình ra sao? Tại sao tôi không thể nói hết với vợ tôi trước ngày cưới? Dù thanh minh thế nào, giờ đây tôi cũng đã trở thành người “lừa dối”.
Tôi bắt đầu mặc cảm với thân phận, tự ti và chán đời. Tôi ngại tiếp xúc với mọi người, trốn tránh bạn bè và bắt đầu tìm thú vui trong rượu và thuốc lá. Tôi đã đốt thuốc lá cháy tay và uống rượu thâu đêm. Tôi nhếch nhác và bê tha. Tinh thần tôi đã bạc nhược và sức khỏe thì sa sút. Mái tóc của tôi nhanh chóng bạc trắng...
Công việc bê trễ, khiến thủ trưởng cơ quan phải góp ý phê bình, bạn bè anh em thì nhắc nhở, động viên. Nhưng có ai biết và hiểu cho tôi đâu? Tôi đang mang một nỗi đau mà một mình tôi phải âm thầm gánh chịu đến suốt đời!
Vợ tôi đã có bầu mà không phải con tôi
Thực tình, tôi khao khát có một đứa con và khao khát được làm cha biết chừng nào. Đứa trẻ này vô tội. Tất cả tội lỗi trên đời này đều do người lớn tạo ra.
Đã có lúc tôi muốn quên đi tất cả và chấp nhận nó như con đẻ. Thôi thì dù không phải giọt máu của mình, nhưng nếu tôi có công nuôi dưỡng, chăm sóc cháu, sau này về già chắc cũng được nhờ?
Nhưng sự đời thường không đơn giản như người ta mong muốn. Khi tôi đã muốn an phận và chấp nhận, thì người đàn ông kia và vợ tôi lại chủ động gây sự, không để cho tôi yên.
Một điều trớ trêu và khó xử nữa là người đàn ông mà vợ tôi ngoại tình để có con kia còn rất trẻ. Bình thường, anh ta vẫn gọi vợ chồng tôi bằng “cô”, “chú” và xưng “cháu”.
Có người bảo cuộc tình vụng trộm ấy là do vợ tôi chủ động. Nhưng lại có người nói, là do anh chàng “trẻ con” kia sắp đặt. Cho dù là “tại anh hay tại ả”, thì hậu quả làđứa con mà họ sinh ra, tôi vẫn phải gánh chịu.
Đầu tiên, tôi chủ động đề nghị ly hôn, để giải phóng cho vợ tôi tìm hạnh phúc mới. Mặc kệ những đêm buồn với những nỗi đau âm ỉ đang đeo bám cuộc đời tôi.
Chúng tôi đã ly hôn vì "bất lực" cả nghĩa đen và nghĩa bóng
Mặc kệ bao người đời đang xì xào, bàn ra tán vào. Tôi đã tin là mình đã hành động đúng. Đó là thứ duy nhất mà tôi có thể mang lại cho người đàn bà mà pháp luật từng thừa nhận là vợ của tôi.
Nhưng vợ tôi kiên quyết không chịu ly hôn. Tôi đành phải chấp nhận sống chung với cô ấy thêm 10 năm nữa. Mười năm cuộc sống không hạnh phúc, với một đời người quả là dài khủng khiếp.
Tôi không rõ vợ tôi và anh chàng tình nhân trẻ kia đã bàn bạc với nhau những gì? Bởi khi tôi đã nản, đã như buông xuôi cuộc đời cho số phận, thì đến lượt chính vợ tôi lại đòi ly hôn tôi bằng được! Dĩ nhiên, là tôi đồng ý.
Sau này tôi mới biết: Cô ta cố tình làm vậy là có dụng ý để “hợp pháp hóa” đứa con và có đủ thời gian chiếm dụng hết tài sản của tôi. Cô ấy muốn tôi phải ra đi với hai bàn tay trắng. Bằng mọi cách, cô ấy đã lừa tôi làm giấy, sang tên cả nhà cửa, thậm chí cả chiếc xe máy tôi đang đi cũng đứng tên người nhà của cô ấy.
Chưa hết, Tòa án đã ra phán quyết: Tôi phải có trách nhiệm hàng tháng gửi khoản tiền 100 ngàn đồng để cùng... nuôi đứa con riêng của cô ấy. “Hạnh phúc người ta có thể giống nhau, nhưng sự bất hạnh thì chẳng ai giống ai” – Tôi nhớ mãi, mình đã phát biểu trước tòa như thế.
Sau ngày ly hôn, tôi sống trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì cảm giác mình vừa làm được một “việc tốt”, được buông tha, được thoát khỏi cuộc sống như địa ngục; buồn là vì từ đây sự cô đơn thực sự đã đến với mình.
Tạo hóa thường trớ trêu, nhưng cũng muốn công bằng. Một thời gian sau, người ta phát hiện người vợ cũ của tôi tham ô tiền công quỹ khá lớn. Cô ấy đã bị kỷ luật rất nặng, có nguy cơ đuổi việc, thậm chí có thể bị truy tố.
Khi ông thủ trưởng cơ quan ấy đến tham khảo ý kiến, tôi nói: Tuy tình nghĩa không còn, nhưng dù sao cô ấy đã có ít nhiều cống hiến, lại có con nhỏ, nên xử lý nhân đạo, để cho cô ấy một con đường sống...
Dù muộn màng, nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với tôi như thế
Chú rể Nguyễn Văn Hà và cô dâu Đinh Thị Vui trong ngày cưới, 6/1/2003
Số phận đã mỉm cười với tôi sau đó không lâu: Cô giáo Vui (người vợ đảm đang, tốt bụng của tôi bây giờ), đã chủ động đem lòng thương yêu tôi. Chồng mất sớm, để lại hai con nhỏ.
Một mình cô ấy đã nuôi các con khôn lớn trưởng thành. (Hiện giờ, hai cháu đều là sinh viên đại học. Các cháu đều rất quý tôi, coi tôi như cha của chúng vậy). Như người bơi đuối sức giữa dòng nước lũ cuộc đời, nay có quý nhân đem thuyền đến cứu vớt...
Rút kinh nghiệm cuộc hôn nhân lần trước, tôi đã lấy hết can đảm, thậm chí phải uống rượu, để đủ dũng cảm nói hết sự thật cái chuyện buồn của mình với cô.
Có lẽ vì quá thương tôi, vì lòng tốt của một nhà giáo, cô ấy vẫn chấp nhận. Bạn bè giục tôi đi nhuộm tóc đen. Đám cưới của chúng tôi đã được tổ chức vào tháng 1/2003. Nói không quá lời, là cả cơ quan huyện đã đến chia vui cùng chúng tôi.
Nhưng tôi biết, vợ tôi giờ đây cũng là một người phụ nữ bình thường, có nhu cầu tình cảm chính đáng như bao người phụ nữ khác. Nhiều đêm nằm bên tôi, cô ấy đã trằn trọc, khó ngủ và giấu tiếng thở dài. (Tôi tin là như thế!).
Chính điều đó đã làm cho tôi càng áy náy và khó xử vô cùng. Tôi đành giả vờ thở nhẹ, giả vờ như đã ngủ say. Tôi không dám trở mình, phải nén lại những cơn ho muốn bật ra khỏi lồng ngực...
Và những đêm như thế, tôi đã suy nghĩ rất thật: Cảm ơn số phận đã cho tôi may mắn hơn Nguyễn Văn Thạc, hơn hàng vạn đồng đội đã hy sinh tại chiến trường. Tôi đã trở về sau chiến tranh, có công ăn việc làm ổn định...
Nhưng thà tôi cứ bị mất chân, bị cụt tay, hay mù mắt; nhưng tôi vẫn còn được làm chồng, làm cha, làm ông đích thực... thì lòng sẽ thanh thản và tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều.
Theo trái tim người lính
Đặng Vương Hưng