COVID-19 tại ASEAN hết 10/3: 'Tâm dịch' Indonesia hạ nhiệt; Singapore tiêm vaccine cho lao động nhập cư

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.448 ca bệnh mới, 5 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia, ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch bệnh COVID-19.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 10/3 ghi nhận thêm 39 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 64 bệnh nhân mới trong ngày 10/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 55.020 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 197 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.552.300 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.281.673 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei, Myanmar (không công bố) và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Số liệu diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 10/3:

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia ngày 10/3 thông báo ghi nhận thêm 1.448 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tại nước này lên 317.717 ca.

Trong số những ca nhiễm mới, chỉ có 10 ca nhập cảnh, còn lại 1.438 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong do COVID-19 tại Malaysia cũng đã lên 1.191 ca sau khi có thêm 5 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tính đến thời điểm hiện tại có 94% bệnh nhân COVID-19 phục hồi. Trong số 18.010 ca dương tính với SARS-CoV-2 còn lại, có 151 ca đang cần điều trị tích cực.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có 2.886 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 603.308 ca. Quan chức thuộc Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 cảnh báo người dân nước này về chiều hướng gia tăng số ca mắc COVID-19 ở vùng đô thị Manila và nhiều khu vực khác trong những ngày gần đây, đồng thời cho rằng diễn biến hiện nay có thể gây sức ép lên hệ thống bệnh viện nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan. Các thị trưởng của vùng đô thị Manila đang cân nhắc tái áp đặt lệnh giới nghiêm trong khu vực thủ đô.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Marikina, Philippines, ngày 2/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Một số tuyến đường và cộng đồng dân cư thuộc vùng đô thị Manila vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do phát hiện nhiều ổ dịch mới. Hiện vùng đô thị Manila, nơi có 13 triệu dân sinh sống, vẫn là tâm dịch COVID-19 ở Philippines.

Ngày 10/3, Campuchia thông báo có 64 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.124 ca. Campuchia chưa ghi nhận bất cứ bệnh nhân COVID-19 tử vong nào.

Trong nỗ lực khống chế dịch bệnh, Campuchia đã đóng cửa toàn bộ trường học, các cơ sở thể thao, viện bảo tàng, rạp chiếu phim và các trung tâm giải trí tại nhiều tỉnh thành nơi bùng phát dịch bệnh.

Trong khi đó, Bộ Y tế Lào ngày 10/3 cho biết phát hiện 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này lên 48 ca. Bệnh nhân là một công dân nước này, 43 tuổi, vừa trở về từ Thái Lan hôm 4/3. Bệnh nhân đã được cách ly tại tỉnh Savannakhet sau khi nhập cảnh.

Biểu tượng của Công ty Dược phẩm Takeda tại tòa nhà ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, Bộ Nhân lực nước này cho biết từ ngày 12/3, 10.000 lao động nhập cư không bị mắc COVID-19 tại nước này sẽ được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Số lao động nhập cư này hiện đang sống trong 5 khu ký túc lớn nhất của “đảo quốc sư tử” là Sungei Tengah Lodge, Tuas View Dormitory, CDPL Tuas Dormitory, PPT Lodge 1B, and Kranji Lodge 1. Chỉ những người đồng ý và được sàng lọc phù hợp mới được tiêm chủng. Những lao động đã được tiêm vaccine sẽ được làm xét nghiệm 28 ngày một lần, thay vì 14 ngày như hiện nay.

Bộ Nhân lực Singapore cũng cho biết tất cả lao động sống trong các khu ký túc lớn này sẽ hoàn tất mũi tiêm đầu tiên vào cuối tháng 4. Sau đó việc tiêm phòng sẽ được triển khai ra tất cả các lao động nhập cư trong các khu ký túc trên cả nước.

Việc tiêm phòng được triển khai khi Chính phủ Singapore nới lỏng những hạn chế đối với người lao động nhập cư. Hiện Singapore có khoảng 320.000 lao động nhập cư sống trong các khu ký túc và các ca nhiễm COVID-19 ở đó chiếm phần lớn trong khoảng hơn 60.000 ca nhiễm ở “đảo quốc sư tử” được ghi nhận cho đến nay.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức