Cty Thoát nước Hà Nội cần 'nhìn thẳng vào những tồn tại'

Chiều 29/8, Đoàn giám sát số 1 của HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố tại Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước Hà Nội).

Theo báo cáo, Cty Thoát nước Hà Nội là đơn vị thoát nước chủ lực của thành phố, quản lý 80% hệ thống thoát nước đô thị. Cty thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đấu nối thoát nước của các công trình, dự án vào hệ thống thoát nước thành phố theo đúng quy định của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà kết luận buổi giám sát. Ảnh: PV

Trong nhiều năm qua, Cty đã hoàn thành các khối lượng, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được thành phố giao hằng năm. Hệ thống thoát nước được quản lý vận hành an toàn, các công trình đầu tư có hiệu quả, triển khai ứng trực khi mưa với đầy đủ trang thiết bị, công cụ, dụng cụ. Vì thế, tình trạng úng ngập từng bước được cải thiện, tại khu vực nội thành đã cơ bản đáp ứng được lượng mưa tính toán theo dự án thoát nước Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; một số khu vực thường xuyên úng ngập cục bộ đã được giải quyết giảm thiểu đáng kể.

Dù vậy, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cũng thừa nhận, thực tế công tác thoát nước trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Có 96 hạng mục thoát nước của các công trình, dự án đóng vai trò quan trọng trong công tác thoát nước và vệ sinh môi trường nhưng chưa được bàn giao cho Sở Xây dựng và Cty quản lý.

Trong đó, 22 hạng mục công trình thoát nước thuộc dự án thoát nước Hà Nội nhằm cải thiện môi trường Hà Nội đã thi công xong và sử dụng từ năm 2013 đến năm 2016 nhưng đến nay chưa hoàn thành việc bàn giao về đơn vị thoát nước quản lý.

Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư các khu đô thị, một số nơi chưa chú trọng xây dựng đồng bộ hạ tầng thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh, thảm cỏ và sử dụng các vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm, bổ sung nguồn nước ngầm, hạn chế lượng nước xả tập trung vào hệ thống thoát nước chung, gây quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị.

Đặc biệt, các khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường hồ chưa được tháo gỡ, các hồ điều hòa tạm dừng xử lý chất lượng nước nhưng tham gia thực hiện trong công tác điều hòa khi mưa, việc vận hành các hồ yêu cầu đặt ra phải đáp ứng nhiệm vụ vừa bảo đảm môi trường hồ, đồng thời bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống úng ngập.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, công tác thoát nước và giải quyết ô nhiễm môi trường được thành phố rất quan tâm chỉ đạo.

Trưởng đoàn giám sát đề nghị Cty Thoát nước Hà Nội nhìn thẳng vào những tồn tại, tiếp tục thực hiện duy trì vận hành tốt các trạm xử lý nước thải theo quy trình, bảo đảm an toàn, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn; thực hiện nhiệm vụ linh hoạt hơn, để có thêm nguồn thu bảo đảm đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Đồng thời, Cty cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trên địa bàn được giao quản lý; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý địa bàn tăng kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý khắc phục sự cố thoát nước…

Bà Hà đề nghị Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Cty tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện thoát nước; tham mưu UBND thành phố đôn đốc bảo đảm tiến độ các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô; Ban Quản lý dự án đô thị xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông thôn thành phố khẩn trương hoàn thành các công trình thoát nước và xử lý nước thải đang thực hiện…

Trường Phong