Đào, phở và piano cháy vé tại TP. Hồ Chí Minh, đặt vé trước cũng khó

Khán giả đến rạp mua vé phim "Đào, phở và piano" để xem vào hôm sau. (Nguồn: Dân trí)

Theo quản lý rạp Cinestar Quốc Thanh (Quận 1), trong ngày 22/2, cụm rạp chiếu phim Đào, phở và piano” với 4 suất chiếu trải dài từ 18h-23h40 phút. Tổng số lượng vé bán ra trong ngày là 700 vé, suất nào cũng kín chỗ.

Nhiều khán giả đến rạp mua vé nhưng đã hết nên đành chấp nhận xếp hàng để đặt vé cho ngày chiếu tiếp theo.

Đào, phở và piano được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, xoay quanh câu chuyện tình yêu của một cặp đôi trẻ, cốt cách hào hoa của người Hà Nội trước cuộc chiến bảo vệ Thủ đô mùa Đông 1946.

Phim được đạo diễn bởi Phi Tiến Sơn, với sự tham gia của diễn viên ãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, Anh Tuấn, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng...

Bộ phim đang trở thành đề tài nóng hổi trên các trang mạng xã hội, được khán giả đón nhận nhiệt tình bởi kịch bản và thông điệp bộ phim muốn truyền tải.

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, các cụm rạp chiếu phim, nhà hát, sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi lượng khách, doanh thu đều tăng, sự khởi sắc ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Mùa phim Tết năm nay ở mảng phim Việt là "cuộc chơi" của các phim Mai (đạo diễn Trấn Thành), Gặp lại chị bầu (đạo diễn Nhất Trung), Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) và Trà (đạo diễn Lê Hoàng).

Sau 13 ngày công chiếu, Mai của Trấn Thành đã chạm đến cột mốc doanh thu 410 tỷ đồng, lập kỷ lục phòng vé chưa từng có tiền lệ đối với một bộ phim Việt Nam.

Còn Gặp lại chị bầu dừng ở con số 67 tỷ đồng. Trong khi đó, Sáng đènTrà lần lượt rời đường đua phim Tết khi quyết định dừng công chiếu.

Theo đại diện cụm rạp Galaxy, 3 năm trở lại đây, mùa phim Tết sôi động hơn với khung cảnh khán giả xếp hàng mua vé, nhất là ở các thành phố lớn, trong đó có TP. Hồ Chí Minh vào 3 ngày cao điểm (từ mùng 5-9).

Chỉ tính riêng với Mai, phim chiếm tỷ lệ suất chiếu 75-80% trong dịp Tết, lượng vé trung bình mỗi ngày đạt mức 90% với mỗi suất chiếu.

Ngoài 4 bộ phim tư nhân cạnh tranh suất chiếu từ ngày mùng 1 Tết thì phim Việt còn có Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) do Nhà nước đặt hàng. Bộ phim này chủ yếu chiếu cho khán giả ở Hà Nội, với suất chiếu rải rác trong dịp Tết.

Về mảng sân khấu, TP. Hồ Chí Minh có 13 sân khấu đang hoạt động, tăng gấp đôi so với hai năm trước. Số vở diễn của các sân khấu phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn cũng tăng mạnh với hơn 30 vở diễn mới.

Trong số các vở diễn, Bóng đàn ông, Mỹ vị nam vương, Ở đây ai tỉnh của sân khấu Thế giới trẻ tạo được sự thích thú cho khán giả.

Bà An Thi, đại diện Sân khấu này cho biết, việc bán vé kịch Tết rộn ràng hơn năm trước. Thậm chí có suất sân khấu đã bán hết vé mà khán giả vẫn tới hỏi, số người không thể mua vé được lên tới 200 người.

Hòa chung niềm vui cùng sân khấu Thế giới trẻ, nghệ sĩ Minh Nhí của sân khấu Trương Hùng Minh chia sẻ: “Khi thấy nhiều đơn vị tham gia đường đua kịch Tết, tôi vô cùng lo lắng về tiến độ bán vé.

Tuy nhiên, lượng khán giả tới ủng hộ sân khấu trong dịp Tết ngày càng tăng. Các suất từ mùng 1-9 đều đầy ắp khán giả, có suất buộc phải bán thêm ghế phụ phục vụ khán giả đi đường xa tới".

Sân khấu kịch Idecaf cũng là một trong những điểm hẹn quen thuộc của đông đảo khán giả dịp Tết. Theo đại diện Idecaf, các vở đạt 80-90% khán giả đến rạp như Tấm Cám đại chiến, Lạc lối ở Bangkok.

Dù mới ra mắt cuối năm 2023 nhưng sân khấu kịch Thiên Đăng cũng có một mùa kịch Tết trọn vẹn, viên mãn khi suất diễn đều cháy vé dù chỉ bán theo hình thức online (trực tuyến).

Các vở Nội tình của ngoại tình, Ngôi nhà trong mây, Duyên thệNgũ quý tương phùng đều mang màu sắc chung là nhiều tiếng cười kèm theo những thông điệp ý nghĩa trong từng câu chuyện.

Hai đơn vị dựng kịch thiếu nhi diễn Tết là nhà hát kịch Sân khấu nhỏ và sân khấu Kịch Ban Mai (sân khấu Hòa Bình C30) cùng chương trình nghệ thuật xiếc-múa rối nước tại công viên Gia Định (nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh… cũng thu hút lượng khán giả đáng kể.

(theo TTXVN)