Điện thoại của thành viên Nghị viện châu Âu bị cài phần mềm gián điệp

Phần mềm gián điệp là một mối đe dọa nguy hiểm mà các chính phủ trên toàn cầu và khu vực tư nhân vẫn đang nỗ lực ngăn chặn

Hai thành viên của Tiểu ban An ninh và quốc phòng của Nghị viện châu Âu gần đây đã phát hiện ra rằng, tin tặc đã thực hiện các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp trên điện thoại của họ.

Theo thông tin từ trang Politico của Mỹ, tin tặc đã nhắm mục tiêu vào bà Nathalie Loiseau, Chủ tịch Tiểu ban quốc phòng, một thành viên người Pháp, cũng như Elena Yoncheva, một nhà lập pháp người Bulgaria và là thành viên của tiểu ban. Xác nhận thông tin này vào tuần trước, Người phát ngôn Nghị viện châu Âu cho hay, cơ quan đang “đặc biệt chú ý” đến nhân viên của tiểu ban nói trên và trước hết, mọi người sẽ phải rà soát quét thiết bị để tìm phần mềm gián điệp. “Trong bối cảnh địa chính trị nhất định và do tính chất của các hồ sơ mà tiểu ban về an ninh và quốc phòng sở hữu, sự chú ý đặc biệt được dành cho các thiết bị của các thành viên của tiểu ban này và nhân viên hỗ trợ công việc của tiểu ban”, Người phát ngôn nói.

Tin tức này được đưa ra khi Nghị viện châu Âu đang cố gắng kiểm soát vấn đề an ninh mạng trước cuộc bầu cử vào tháng 6 tới. Công tác bảo mật chống phần mềm gián điệp vốn đã khó khăn, do tin tặc có thể xâm nhập bằng phần mềm độc hại có khả năng lây nhiễm vào điện thoại mà nạn nhân không cần phải nhấp vào bất cứ thứ gì. Bộ phận Công nghệ thông tin của Nghị viện châu Âu đang nỗ lực hết sức để bảo đảm an ninh mạng cho các cuộc bầu cử cũng như bảo vệ từng thành viên ở mọi lúc, mọi nơi. Theo thông tin của tờ Politico, năm ngoái, bộ phận này đã đưa ra một đánh giá nội bộ cho thấy, an ninh mạng của quốc hội “chưa đáp ứng các tiêu chuẩn ngành” và “không hoàn toàn phù hợp với mức độ đe dọa” của tin tặc nước ngoài.

Các quốc gia thành viên cũng đang cảnh giác cao độ về các hoạt động phá hoại của tin tặc hay việc lan truyền thông tin sai lệch có thể cản trở các cuộc bầu cử trong những ngày tới. Mỗi quốc gia thành viên tiến hành bầu cử riêng lẻ nhưng đồng thời, dựa vào các hệ thống và biện pháp bảo vệ khác nhau. Điều đó có thể tạo ra một “cơn bão hoàn hảo”, trong đó các tác nhân xấu nước ngoài có thể can thiệp hoặc báo động giả về một vụ tấn công khiến toàn bộ quá trình rơi vào hỗn loạn.

Phần mềm gián điệp là một mối đe dọa nguy hiểm mà các chính phủ trên toàn cầu và khu vực tư nhân vẫn đang nỗ lực ngăn chặn. Theo các nhà nghiên cứu, phần mềm gián điệp Pegasus của NSO Group, một công ty của Israel, đã nhắm mục tiêu vào các nhà báo, hay thành viên của xã hội dân sự trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mexico, Morocco và Rwanda. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng, tin tặc có thể sử dụng phần mềm gián điệp để phục vụ cho các vụ giết người ngoài vòng pháp luật. Đơn cử, các cộng sự của nhà báo Arabia Jamal Khashoggi đã trở thành mục tiêu của Pegasus trước khi ông bị sát hại ở Istanbul vào năm 2018.

Ông John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cấp cao tại Citizen Lab, thường nghiên cứu phát hiện các ca nhiễm Pegasus mới trên toàn cầu khuyến cáo, các chính trị gia cần phải bảo vệ thiết bị, từ đó bảo vệ thể chế chính trị của họ khỏi những con mắt tò mò. Ông cho rằng, làn sóng tấn công bằng phần mềm gián điệp mới nhất xảy ra khi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tiếp tục lập chiến lược về việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Nếu tin tặc nước ngoài có thể giám sát thành công những thông tin chi tiết nhất của các nhà lập pháp, điều đó có thể ảnh hưởng đến chức năng cốt lõi của các thể chế chính trị ở châu Âu. “Rõ ràng rằng lỗ hổng bảo mật ở châu Âu là mối đe dọa trực tiếp đối với khả năng hoạt động và duy trì tính bảo mật của các tổ chức. Các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa vấn đề phần mềm gián điệp sẽ là cần thiết và đòi hỏi hành động nghiêm túc”, ông John Scott-Railton nói.

Theo Daily Beast