Doanh nghiệp Việt: giỏi chống chịu nhưng khó trưởng thành

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2023 tại Hà Nội ngày 19-9-2023.

Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2023 có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” thu hút khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp và kết nối với một số điểm cầu của các trường đại học, diễn giả, nhà khoa học trong, ngoài nước.

TS. Trần Đình Thiên là chuyên gia đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận chuyên đề về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”. Những đúc kết của chuyên gia kinh tế này không hẳn mới; nhưng khi một nghịch lý lại trở thành “thuận lý” thì điều đó tiếp tục cho thấy căn bệnh “nói nhiều” nhưng “làm chẳng được bao nhiêu” trong cải cách thể chế vẫn là bệnh trầm kha.

Xét về mặt tích cực, so sánh với quốc tế, những thành tích kinh tế vĩ mô đạt được trong những năm qua đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất đáng ghi nhận của nền kinh tế Việt Nam, ông Thiên nhận xét. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có hai vấn đề lớn đặt ra. Một là xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài; trong gần 40 năm đổi mới, cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tăng trưởng GDP lại bị giảm gần 1 điểm phần trăm tốc độ bình quân. Hai là, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nhiều nghịch lý.

Nghịch lý đầu tiên là doanh nghiệp Việt Nam kiên cường trong môi trường kinh doanh khó khăn nhưng lại khó trưởng thành. Hiếm nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam, thường gấp 2-3 lần, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” cũng thường cao vượt trội – việc này lại kéo dài hàng chục năm, vậy mà doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại và đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước. Nhưng ngược lại, vấn đề là “tuổi thọ bình quân” của doanh nghiệp Việt rất đáng lo ngại.

Hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập. “Tỷ lệ này không bình thường, nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều, một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. Tám tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” (124.700) so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” (149.400) xấp xỉ 84%, cao vượt trội so với mức 68,7% của năm 2022.

“Tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt, mặc dù chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định?”. Câu hỏi ông Thiên nêu ra dù không mới nhưng vẫn là cốt lõi.

Nghịch lý thứ hai là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8-2023, giải ngân đầu tư công mới đạt 39,6% kế hoạch; tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, diễn biến này gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”.

Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn. Cộng lực với Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng làm điều chưa từng thấy: Ngân hàng Nhà nước bốn lần hạ lãi suất điều hành, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực phải đẩy mạnh cho vay tiếp tục tăng.

Còn nhiều nghịch lý phát triển khác, nhưng vị chuyên gia này tập trung “giới thiệu” hai “nghịch lý phát triển” điển hình trên đây vì chúng gắn với hai loại nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thị trường là vốn và doanh nghiệp – tạm đủ để luận chứng về trạng thái bất thường – khác thường của nền kinh tế hiện nay. “Chúng là đủ để giúp khẳng định chính tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho (nguồn lực) không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn”.

Những vấn đề ông Thiên nêu ra không mới, nhưng từ góc độ chính sách, rõ ràng Chính phủ và những người làm chính sách phải có câu lời thẳng thắn: đó là chất lượng môi trường kinh doanh kém. Môi trường kinh doanh kém thuận lợi lại bắt nguồn từ hai yếu tố cốt lõi khác: chất lượng quy định (tức pháp lý) kém và năng lực thực thi quy định cũng hạn chế. Để khách quan, có thể nhìn vào các khảo sát từ nhóm các doanh nghiệp đa quốc gia, những người làm ăn kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau. Các khảo sát đều cho thấy vấn đề chung: điểm số thấp nhất của Việt Nam luôn là chất lượng quy định (regulation); và thủ tục hành chính giấy tờ (cả mức độ phức tạp của thủ tục; lẫn khó khăn khi thực thiện thủ tục, tức khâu thực thi).

Việc những nghịch lý phát triển cũ được xới đi xới lại trong rất nhiều diễn đàn chính sách khác nhau cho thấy, vấn đề không phải nằm ở chỗ không nhìn ra hạn chế ở đâu; mà là thiếu quyết tâm và năng lực để thực thi các cải cách cần thiết. Do đó, nếu không thật sự có một quyết tâm mang tính đột phá và hành động có trọng điểm để xử lý những vấn đề “mạn tính” mà “ai cũng biết” thì rất có thể, các diễn đàn năm tới, năm tới nữa vẫn sẽ tiếp tục loay hoay trong câu hỏi ông Thiên nêu ra.

An Nhiên