Duyên nợ văn chương với vùng cao

Nhà văn Đỗ Bích Thúy với những cuốn sách mới ra mắt tháng 4 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Viết về miền núi tự nhiên như hơi thở

Tôi nhớ, hồi sinh viên tôi đã được đọc những truyện ngắn của tác giả Đỗ Bích Thúy gửi dự thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Những truyện ngắn trong trẻo về cuộc sống, con người miền núi được miêu tả qua giọng văn đẹp, dung dị của chị có sức ám ảnh, lôi cuốn người đọc như truyện ngắn “Sau những mùa trăng”, “Đêm cá nổi”, “Ngải đắng ở trên núi”... Cũng từ những truyện ngắn đó, cô gái lần đầu “chạm ngõ” làng văn đã vượt lên những tác giả tên tuổi, giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội (1998-1999).

Sau giải thưởng uy tín đó, con đường văn chương rộng mở hơn với Đỗ Bích Thúy. Chị chuyển công tác từ Hà Giang về Hà Nội, làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đặc biệt, sau sự xuất hiện của tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, tài năng văn chương của Đỗ Bích Thúy càng được nhiều người biết đến, đưa tên tuổi Đỗ Bích Thúy nổi bật ở mảng văn xuôi miền núi. “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” cũng đã được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành phim “Chuyện của Pao” chiếu rạp khá thành công.

Đọc tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, người ta cứ ngỡ chị là nhà văn người dân tộc thiểu số bởi không khí vùng cao, bản sắc văn hóa dân tộc thấm đẫm trong từng trang viết. Nhưng không, Đỗ Bích Thúy là người Kinh, quê gốc Nam Định. Có lẽ, do được sinh ra và lớn lên tại Hà Giang, được đắm mình trong không gian văn hóa miền núi từ nhỏ và từng công tác tại Báo Hà Giang, có điều kiện thâm nhập thực tế nên chị am hiểu văn hóa, đời sống, tình cảm của đồng bào dân tộc nơi đây. Vốn văn hóa vùng cao ấy đã ăn sâu vào tâm hồn chị, hiện hữu trên những sáng tác của chị. Khi được hỏi về bí quyết cho những sáng tác thành công của mình, chị bảo: “Hãy viết về những điều thân thuộc nhất, thuộc như lòng bàn tay, như là hơi thở, như là máu...”.

Viết về đời sống, sinh hoạt của người vùng cao, Đỗ Bích Thúy có cách viết tự nhiên như cây cỏ, núi rừng. Những nét sinh hoạt thường ngày, nết ăn ở, nếp nghĩ, những phong tục tập quán của người dân vùng cao được bao trùm bởi không gian đậm chất núi rừng là mạch nguồn không bao giờ vơi cạn đối với chị. Đó là chất liệu để chị đưa vào các trang viết của mình, nhưng ở mỗi truyện lại có những cách miêu tả khác nhau mang đến cho người đọc cảm giác mới mẻ, lạ lùng. Đặc biệt, những phong tục tập quán trong văn hóa dân gian vùng cao được chị miêu tả khá kỹ trong những sáng tác của mình với ngôn ngữ, lối nói của người vùng cao khiến đời sống vùng cao như đặc sắc hơn, đầy bí ẩn, khơi gợi trí tò mò của độc giả.

Đau đáu phận người phụ nữ vùng cao

Trong những sáng tác của Đỗ Bích Thúy, đối tượng được phản ánh nhiều nhất và ám ảnh độc giả là người phụ nữ vùng cao. Chị đã từng chia sẻ: “Chưa thấy ở đâu mà người phụ nữ lại chịu nhiều thiệt thòi như ở miền núi”. Cảm thông với số phận của những người phụ nữ miền núi, chị dành khá nhiều tâm huyết phản ánh hệ thống nhân vật này trong các sáng tác của mình.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 ở Hà Giang. Chị từng giành nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm (1998-1999); giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải Nhất Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2014...

Những người phụ nữ trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy được xây dựng ở mọi cung bậc cảm xúc, khi êm ấm, hạnh phúc, có lúc thăng trầm, lúc lại man mác nỗi buồn, khi lại đau đớn, tuyệt vọng. Đó là nỗi buồn âm ỉ của những thân phận đàn bà miền núi. Nỗi buồn ấy cứ dai dẳng, đè nén lên cuộc đời những người mẹ, người chị, người em gái. Những hậu quả mà người phụ nữ phải gánh chịu ấy được hình thành từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, những phong tục, tập quán, nếp sống của người dân tộc đã in hằn qua bao thế hệ.

Ngay từ tập truyện đầu tiên là “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, thân phận người phụ nữ vùng cao đã trở thành nhân vật chính trong sáng tác của chị. Những người phụ nữ Mông, Tày luôn cam chịu, nhẫn nhịn trong gia đình, trong xã hội còn nhiều bất công với người phụ nữ. Nhiều người còn nhớ nhân vật May và mẹ già trong truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được rút từ tập truyện cùng tên. Đây là những nhân vật được Đỗ Bích Thúy xây dựng từ nguyên mẫu có thật khi chị tận mắt chứng kiến cảnh sống, số phận của những người phụ nữ đó. Người phụ nữ Mông từ nhỏ đến lớn không có tiếng nói trong gia đình. Khi đã lấy chồng có bị đối xử thế nào cũng đành cam chịu. Thậm chí, họ còn chăm sóc, yêu thương những đứa con không phải do mình sinh ra mà là con của chồng với người phụ nữ khác.

Hay như nhân vật Vàng Chở trong tiểu thuyết “Chúa đất” của Đỗ Bích Thúy được xây dựng đẹp như bông anh túc, luôn kiêu hãnh về sắc đẹp của mình với tâm hồn cháy khát yêu đương, nhưng cũng phải chết trên cột đá.

Trong tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu”, nhân vật cô Súa xinh đẹp, mạnh mẽ là thế nhưng cuộc đời cũng đầy bất hạnh đã ám ảnh người đọc. Tục cướp vợ ở vùng cao được đề cập đến trong tiểu thuyết đã đem bất hạnh đến cho cuộc đời người phụ nữ dân tộc thiểu số. Tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu” cũng được dựng thành phim truyền hình đặc sắc về đề tài dân tộc, miền núi.

Thanh Thuận