Góc khuất về giới siêu giàu trong phim Hàn

Phim về giới nhà giàu Hàn Quốc là món ăn quen thuộc trên bàn tiệc hàng chục tác phẩm ra mắt mỗi năm của showbiz Hàn Quốc. Từ những năm cuối thập niên 1990, khán giả Việt đã được xem những bộ phim phảng phất tình tiết phân biệt giàu - nghèo, như Tình si, Mối tình đầu...

Trong suốt thập niên 2000-2010, phim về giới nhà giàu ngày càng nở rộ, càng được đầu tư hơn với những bối cảnh hoành tráng, quần áo đắt tiền khiến khán giả choáng ngợp.

Nhưng hai năm trở lại đây, phim về giới nhà giàu đã có sự thay đổi rõ rệt. Không còn xuất hiện tình yêu cổ tích của hoàng từ và lọ lem, các tác phẩm nói về giới tài phiệt bắt đầu đi vào khai thác đề tài mặt tối của tầng lớp thượng lưu.

Boys Over Flowers là bộ phim theo mô-típ hoàng tử - lọ lem điển hình của màn ảnh Hàn.

Một thời tô hồng với phim lãng mạn ngôn tình

Chuyện tình giữa chàng trai giàu có, là người thừa kế của tập đoàn lớn với một cô gái nhà nghèo có tính cách chịu thương chịu khó chưa bao giờ là chủ đề cũ kỹ trong phim Hàn. Ở thời điểm nào, khán giả cũng có thể tìm thấy một bộ phim có chi tiết trên, không là cặp nhân vật chính thì cũng là đôi diễn viên phụ.

Điểm sơ qua, khán giả có thể nhớ tới My Girl (2005), với cô gái xuất thân bình dân có sở thích nói dối Yoo Rin (Lee Da Hae đóng) và nam chính của gia đình giàu có Seol Gong Chan (Lee Dong Wook đóng). Tiệm cà phê hoàng tử (2007) cũng mang hơi hướm của chuyện hoàng tử - lọ lem khi có nam chính là chủ tiệm cà phê kinh doanh ổn định và nữ chính nhà nghèo tới mức phải làm thêm vài công việc một lúc.

Năm 2009, Boys Over Flowers tạo cơn sốt khắp châu Á, khiến trào lưu phim trai giàu yêu gái nghèo phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nối tiếp đó, khán giả chứng kiến sự đổ bộ của loạt phim Secret Garden, Người thừa kế (The Heirs), Xã hội thượng lưu, Cinderella and Four Knights.

Trong số các phim trên, Boys Over FlowersThe Heirs là hai phim đậm màu sắc tình yêu cổ tích nhất. Nam chính trong cả hai phim (và trùng hợp đều là Lee Min Ho đóng) là người thừa kế của một tập đoàn lớn, có tầm ảnh hưởng tới kinh tế đất nước. Cả hai nhân vật nam chính đều yêu một cô gái "nghèo rớt mùng tơi", là Geum Jandi (Goo Hye Sun) và Cha Eun Sang (Park Shin Hye).

Người thừa kế (The Heirs) là bộ phim gây sốt châu Á cuối năm 2013.

Vẽ nên bối cảnh hoành tráng, bày biện những chi tiết để phô trương độ giàu có của gia đình nam chính, nhưng nội dung những phim trên chưa bao giờ đề cập đến chuyện nam chính phải học tập và rèn luyện ra sao để xứng đáng là người thừa kế khối gia sản khổng lồ, cũng không bắt nam chính phải tham gia kinh doanh, đấu đá thương trường. Biên kịch, đạo diễn cũng không đề cập đến khoảng cách giàu - nghèo đáng ra phải có của hai nhân vật thuộc tầng lớp xã hội khác nhau.

Tất cả những gì ê-kíp sản xuất tạo ra là nam chính yêu và sẵn sàng chạy theo nữ chính mọi nơi mọi lúc, dùng tiền của bản thân để cho nữ chính cuộc sống sung túc.

Những bộ phim như trên phủ sóng màn ảnh nhỏ suốt từ cuối thập niên 1990 tới tận những năm 2017-2018. Hơn hai thập kỷ, khán giả chìm đắm trong truyện cổ tích hoàng tử - lọ lem.

Sự tăm tối trong phim sau "Parasite"

Năm 2019, Parasite giành 4 giải Oscar, lập nên kỳ tích cho ngành công nghiệp điện ảnh Hàn. Tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho gây ấn tượng với những thông điệp về sự phân hóa giàu - nghèo quá lớn trong xã hội Hàn Quốc.

Và từ thành công của Parasite, phim về giới nhà giàu Hàn Quốc cũng rẽ sang một hướng mới.

Tất nhiên, không nên đánh đồng điện ảnh và truyền hình, so sánh Parasite với những bộ phim truyền hình về tình yêu lọ lem - hoàng tử là khiên cưỡng. Nhưng không thể phủ nhận việc Parasite đã có tác động không nhỏ tới tư tưởng của giới làm phim Hàn Quốc, khiến những bộ phim thần tượng đầy mơ mộng về giới nhà giàu dần biến mất, thay vào đó là những kịch bản lột tả mặt tối cuộc sống thượng lưu và phê phán khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội một cách tinh tế.

Bộ phim của đài MBN - Gia đình đức hạnh - lột tả những mối quan hệ rối rắm, trái đạo lý trong một gia đình tài phiệt.

Trước khi Parasite ra mắt, có hai bộ phim truyền hình Hàn Quốc đề cập đến cuộc sống nhiều thử thách, góc khuất của giới nhà giàu là Quý cô ưu tú (Women's Dignity)SKY Castle. Tuy nhiên, trong hai tác phẩm trên, Quý cô ưu tú tập trung miêu tả người phụ nữ đầy tham vọng, sẵn sàng làm mọi việc để bước chân vào giới thượng lưu; SKY Castle lại vẽ ra bức tranh đầy toan tính của phụ huynh nhà giàu về con đường tương lai của lớp trẻ.

Cả hai phim không tô hồng giới nhà giàu, không có tình yêu lãng mạn đến phi thực tế. Nhưng nói đúng ra, hai phim chưa thực sự phô bày cái giàu có, cái trái khoáy và những mối quan hệ, tư tưởng rắc rối của tầng lớp siêu giàu.

Sau Parasite, các nhà làm phim đã mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các chủ đề như ngoại tình, những mối quan hệ trái đạo lý, hay tư tưởng coi người nghèo như tấm đệm lót chân của giới tài phiệt.

Mở đầu cho trào lưu phim nhà giàu kiểu mới trên là Gia đình đức hạnh (2019). Với Gia đình đức hạnh, khán giả có thể thấy những mối quan hệ kỳ quái nhất trong xã hội, như cha chồng có tình cảm với con dâu, cô cháu gái thực ra là con gái út phải che giấu thân phận của ông nội, cháu trai đang tranh giành quyền thừa kế thực ra là người chuyển giới và có một người vợ trên danh nghĩa để che mắt thiên hạ...

Cũng trong Gia đình đức hạnh, khán giả lần đầu chứng kiến cảnh ban lãnh đạo tập đoàn phải ngừng hoạt động, các đối tác kinh doanh phải gửi quà phúng điếu... một chú cá vàng. Đây là chú cá được phu nhân chủ tịch tập đoàn MC Group nuôi để tiêu khiển.

Sau đó, Thế giới hôn nhân (2020) cũng cho khán giả thấy rõ sở thích ngoại tình của đàn ông giới nhà giàu. Câu chuyện ngoại tình được đẩy xa hơn trong Penthouse 1 (2020), với những quan hệ chồng chéo đến mức rối não người xem.

Nối tiếp thành công của phần 1, Penthouse đã ra mắt phần 2 và sắp khởi chiếu phần 3. Cả ba phần phim đều khai thác các mối quan hệ, hành vi bất chính cả trong tình cảm lẫn kinh doanh, đề cập rõ ràng tới sự bất công của bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Với Penthouse, giới tài phiệt hiện lên như những người quyền lực nhất, một tay che trời, dù giết chóc, chiếm đoạt tài sản hay ngụy tạo thành tích cũng không bị chính quyền "sờ gáy".

Penthouse và Mine thu hút khán giả khi lột tả được cuộc sống phức tạp của giới tài phiệt.

Mine là phim mới nhất về giới siêu giàu Hàn, vừa lên sóng đài tvN vào đầu tháng 5. So với tất cả những phim trước đây, tầng lớp giàu có trong Mine xuất hiện như đang sống ở thế giới khác. Sự giàu có và những uẩn khúc của gia đình họ Han trong Mine được cho là lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật trong xã hội Hàn Quốc.

Và đương nhiên, Mine cũng khai thác những góc khuất gai góc của tầng lớp tài phiệt, như anh em ruột tranh giành quyền thừa kế, ngoại tình và đa thê, kết hôn vì lợi ích kinh tế gia tộc, lạm quyền...

Trong các phim trên, giới nhà giàu đều có mức sống xa xỉ đến mức tưởng chừng như phi lý. Nhưng nhìn vào mức chênh lệch thu nhập giữa tầng lớp bình dân và giới nhà giàu Hàn Quốc, khán giả châu Á sẽ nhận ra chuyện người giàu ở xứ kim chi tiêu xài vô độ không phải quá lạ.

Theo thống kê của Hana Bank vào năm 2017, giới siêu giàu Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 0.3% dân số, nhưng lại sở hữu tới 18% tổng tài sản trong nước. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở Hàn Quốc cao ngang bằng Anh và Latvia, và tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Nghiêm Ngọc