Hạnh phúc bình dị mà lắng sâu!

Nếu cần khái quát khi nói về phong cách thơ Nguyễn Hồng Vinh thì có lẽ chính là chữ “chân”: “chân chất”, “chân thành” để thấu cảm và xẻ chia “chân lý”. Thơ ông không cầu kỳ, hoa mỹ, không chạy theo phép “lạ hóa” ngôn ngữ đơn thuần, mà chú trọng cấu tứ, để kể cho người đọc những câu chuyện đầy ắp tình đời, tình người, để thông điệp về tình yêu cuộc sống, về khát vọng hạnh phúc cứ thể tỏa lan. Lựa chọn lối đi ấy, muốn thành công trong sáng tạo, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trái tim yêu nồng nhiệt và cả vốn sống dồi dào, không bao giờ lặp lại chính mình. Cảm giác tươi mới, hấp dẫn, đầy năng lượng tích cực ấy thể hiện rất rõ khi người đọc đến với bài thơ mới đây của Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh:

KHI XA EM…

Mưa đã thôi sập sùi

Trời cao lên mấy tấc

Mây vẫn giấu mặt trời

Kìm bình minh thức giấc!

Xa em mới hơn tuần

Đêm dài như cả năm

Gió lùa qua khe cửa

Nửa chăn vẫn dành em…

Chiều tha thẩn dọc sông

Mong con tàu cập bến

Nước vần vũ cuộn dòng

Tàu chở em lỡ hẹn!

Anh ngắm cánh đồng cúc

Nơi kỷ niệm chúng mình

Sao màu vàng nhòa nhạt

Có phải vì vắng em?

Chưa khuya đường Thanh Niên

Người và xe thưa thớt

Liễu ủ rũ bên hồ

Đồng hồ như đứt cót?!

Sớm nay chim bỗng hót

Báo tin vui em về

Ôm bó hoa cúc đỏ

Tặng em ngay triền đê

Đời mỗi người như sông

Lúc ầm ào cuộn sóng

Khi lững lờ nước cạn

Giữ sao tâm cân bằng?!

Em đã về tổ ấm

Nắng nhảy múa ngoài thềm

Canh heo măng thơm nức

Quà em từ rừng xanh…

Tháng 9/2023

Nguyễn Hồng Vinh

Nhan đề bài thơ “Khi em xa…” đã là một mã nghệ thuật giàu sức gợi, mở ra cả một thế giới tưởng tượng ở mỗi người đọc. Với mỗi độc giả, với kinh nghiệm thẩm mỹ của mình sẽ có những “đáp án” riêng, lấp đầy “khoảng trống”, “khoảng trắng” đang vẫy gọi. Và chính ở điểm chung ấy, nhà thơ đã kể câu chuyện của mình, để khắc họa những cung bậc cảm xúc dạt dào, để đi tìm câu trả lời muôn thuở của thi ca: HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Nhân vật trữ tình đã trải qua những tháng ngày đằng đẵng với nỗi nhớ cồn cào khi phải xa em. Khổ thơ đầu là cảnh thiên nhiên nhuốm màu nhung nhớ u hoài. Những vần thơ ấy gợi nhớ hai câu tuyệt tác trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hướng tầm nhìn ra xa, thì bình minh chưa rạng, thu lại gần thì trống trải vây quanh. Cảnh làm sao đẹp khi nhân vật trữ tình đang ở trong hoàn cảnh: “Xa em mới hơn tuần/Đêm dài như cả năm”. Hình ảnh thơ “Nửa chăn vẫn dành em…” đã khắc họa sâu sắc nỗi nhớ mong người người vợ vắng nhà. Lại một dấu “ba chấm” đầy sức gợi!

Liền ba khổ thơ tiếp theo là cảnh ngóng trông người bạn đời lỡ hẹn chuyến tàu từ miền ngược xuôi dòng. Tâm trạng ngập tràn nỗi nhớ, nhòa không gian, thời gian với bút pháp đồng hiện tài tình giữa hiện tại và quá khứ đong đầy kỷ niệm: “Chiều tha thẩn dọc sông/Mong con tàu cập bến/Nước vần vũ cuộn dòng/Tàu chở em lỡ hẹn”. Chữ “tha thẩn” ở câu đầu hợp với chữ “vần vũ” ở câu thứ ba bộc lộ rõ nét sự chông chênh, hụt hẫng của nhân vật trữ tình. Ai đó đã từng nói, trong tình yêu, ai cũng chỉ bé nhỏ vậy thôi. Câu nói ấy thật đúng với cảnh huống tâm trạng của “anh” lúc này. Mang nỗi niềm trĩu nặng, “anh” bộ hành xuyên thời gian về với những ký ức tươi đẹp ngày xưa ngay trên chính triền đê này. Kỷ niệm cứ thế ào về, nhưng chẳng thể xua đi bước chân lê thê của thời gian trống trải.

Sau năm khổ thơ đặc tả nỗi nhớ, niềm thương; khổ thơ thứ sáu bừng lên tươi tắn trùm không gian vui đón em về: “Sớm nay chim bỗng hót/Báo tin vui em về/Ôm bó hoa cúc đỏ/Tặng em ngay triền đê”. Không phải tình cờ “anh” tặng hoa “em” ngay trên triền đê, mà chính đây là địa điểm in dấu thời gian ngày đầu hai bạn trẻ đứng ngồi tâm sự, tay trong tay ngắm cánh đồng cúc vàng đong đầy kỷ niệm “của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”! Và do vậy, “triền đê” chính là điểm nhấn trong thế giới nghệ thuật độc đáo của bài thơ này. Đó là bản hòa ca hạnh phúc xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Trải qua những ngày triền đê khắc khoải mới thấu hiểu niềm vui vỡ òa khi đón em trở về. Phải chăng, thông điệp Nhà thơ muốn gửi gắm chính là thủy chung với niềm tin yêu mãnh liệt sẽ đưa con người đến bến bờ hạnh phúc?!

Trong phút giây hạnh phúc vô bờ ấy, Nhà thơ đã ngẫm suy về lẽ đời, nâng ý nghĩa bài thơ lên một tầm cao mới. Bên triền đê ấy, ngắm nhìn dòng sông lững lờ trôi qua bao ghềnh thác, qua bao cung bậc cảm xúc đã qua, người đọc đồng cảm với Nhà thơ về chân lý muôn đời: sông có khúc, người có lúc! Và trái ngọt chỉ dành cho ai biết nhẫn nại đợi chờ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, ngang trở, vượt qua sóng gió cuộc đời. Bài thơ đã vượt qua khuôn khổ một câu chuyện tình yêu đôi lứa để trở thành thông điệp nhân văn cho con người trong cuộc nhân sinh.

Khổ thơ cuối trở lại với không gian “tổ ấm” đã được em nhen ngọn lửa đời. Những hình ảnh dung dị mà xúc động lạ thường. Người xưa nói thật thấm thía: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Qua những thăng trầm, người đọc đồng cảm sâu sắc với nhân vật trữ tình, cùng tiếp nhận hương thơm từ nồi canh măng trong căn bếp nhỏ. Hạnh phúc phải đâu xa vời, mà chính là những điều bình dị như thế đó! Hình ảnh “Nắng nhảy múa ngoài thềm” đối lập với “Mây vẫn giấu mặt trời” ở khổ thơ đầu gói lại ý tứ sâu xa: đi từ những ngày âm u đến những ngày bừng nắng là ẩn dụ về hành trình kiếm tìm hạnh phúc, tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng!

“Mặt trời thi ca Nga” Puskin đã từng nói: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Bài thơ “Khi xa em…” đã thực sự bén rễ, sinh sôi từ cánh đồng cuộc sống màu mỡ, được chưng cất qua tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và niềm yêu tin cuộc đời, khát khao hạnh phúc cháy bỏng của Nhà thơ Hồng Vinh. Xin cảm ơn Nhà thơ với nguồn năng lượng tích cực trong những ngày tháng cuộc sống đâu đó “mây vẫn giấu mặt trời”, để vững tin đón bình minh ló rạng sớm mai!

Hà Nội, tháng 9 năm 2023

Thanh Sơn