Khi tất cả đều trở thành mục tiêu quân sự

Đơn cử, dù ít được nhắc đến, câu chuyện về việc nước Đức đã đẩy mình vào thất bại trong Đệ nhất Thế chiến như thế nào, qua những hoạt động của các đội tàu ngầm, sẽ luôn là một sự tham chiếu thú vị, nhất là khi đặt cạnh những gì đang diễn ra tại các cuộc xung đột vũ trang của thế kỷ XXI này.

Hải quân Hoàng gia Anh – bá chủ các đại dương.

Uy quyền bá chủ

Xuyên suốt Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, vai trò bá chủ trên các đại dương vẫn luôn thuộc về Hải quân Hoàng gia Anh, đó là điều không thể phủ nhận. Chính bởi vậy, khi chiến sự khai màn năm 1914, một trong những mục tiêu lớn nhất của hải quân Đức là hất đổ được ưu thế tuyệt đối đó của phía các quốc gia Đồng minh.

Điều này có lẽ còn là một thách thức lớn gấp nhiều lần chuyện “chiếm thượng phong” trước lực lượng lục quân và pháo binh hùng hậu của nước Pháp trên lục địa, bởi nước Anh đã đi trước nước Đức quá xa trên con đường “hướng ra biển lớn”. Tàu ngầm, do đó, trở thành lựa chọn số 1 cho những cuộc đọ sức bất đối xứng trên biển.

Theo tác giả Robert Leckie của cuốn “Đệ nhất Thế chiến” (World War 1), những đòn phủ đầu đã được thực hiện, ngay tháng 9-1914, khi một tàu ngầm Đức phóng ngư lôi vào tuần dương hạm Aboukir của Anh ngoài khơi bờ biển Hà Lan, rồi kế tiếp đánh chìm hai chiến hạm Hogue và Cressy. Tháng 10, đến lượt tàu Audacious bị hải quân Đức đánh chìm ở ngoài khơi Ireland.

Thừa thắng xông lên, những đội tàu ngầm Đức mở rộng phạm vi các cuộc giao tranh ra toàn Thái Bình Dương. Bá tước – Đô đốc Hải đội Viễn Đông của Đức là Maximillian von Spee nhử được các tuần dương hạm Good Hope, Monmouth và Cradock của Anh xuống tận bờ biển Chile. Tại đây, trong trận Coronel, chúng đều bị hủy diệt bởi hạm đội Đức, dẫn đầu là hai tuần dương hạm mạnh mẽ Scharnhorst và Gneisenau. Song, đến tháng 12-1914, Hải quân Hoàng gia Anh đáp trả. Các chiến hạm Inflexible và Invincible dìm Scharsnhorst cùng Gneisenau xuống đáy biển, cộng thêm các thiết giáp hạm nhỏ hơn là Nuernberg và Leipzig.

Ở Ấn Độ Dương, sau khi tấn công 13 tàu Anh trong vòng ba tháng, tàu Emden của Đức bị đánh bại bởi tuần dương hạm Sydney (Úc, nhưng chiến đấu như một phần của Liên hiệp Anh), và toàn bộ thủy thủ đoàn phải đầu hàng.

Tình thế ấy vẫn tiếp diễn, sang đến năm 1915. Đơn cử, trận Dogger Bank ngoài khơi bờ biển nước Anh, hải quân Đức mất tàu Bluecher và 951 thủy thủ, trong khi phía Anh chỉ có 14 người chết cùng 6 người bị thương. Việc không thể chiếm ưu thế trên các đại dương, thực tế, mới là mối lo gan ruột của các nhà lãnh đạo nước Đức.

Tàu Lusiatania – một thảm kịch đích thực.

Mọi thứ đều là hàng lậu

Bởi, có rất nhiều loại nguyên liệu hay phụ liệu thiết yếu mà các quốc gia công nghiệp cần phải có, để tiến hành cuộc chiến. Song, những chuyến hàng với quy mô khổng lồ này lại chỉ có thể được vận chuyển bằng đường biển. Bên cạnh đó, những tuyến hải trình không bị tranh chấp (nghĩa là an toàn dưới sự khống chế cần thiết) cũng là cách nhanh chóng để chuyển quân từ chiến trường này sang chiến trường khác. Tính đến đầu năm 1915, những cuộc phong tỏa mà nước Anh thực hiện, dựa trên uy quyền bá chủ đại dương của họ, đã bắt đầu phát huy tác dụng rõ rệt. Đạn dược hay khí tài quân sự, hoặc nguyên vật liệu cần thiết từ các quốc gia trung lập đưa đến Đức chỉ còn ở mức nhỏ giọt.

Vùng vẫy tìm cách (ít nhất là để) gây khó khăn cho kẻ thù, phía Đức thông báo: Sẽ coi tất cả các loại lúa mỳ, bột mỳ hay ngũ cốc là hàng lậu, trong tình trạng chiến tranh đang diễn ra. Tức là, họ sẽ tấn công mọi tàu chở những thứ lương thực ấy, khi xem chúng đều là lương thực dành cho quân đội Anh (không phân biệt với lương thực dành cho thường dân). Cơ sở của các hoạt động này sẽ là sự tăng cường mở rộng mạnh mẽ số lượng tàu ngầm Đức.

Đáp lại, Hải quân Hoàng gia Anh áp dụng đúng nguyên tắc đó, để bắt giữ một tàu trung lập chở thực phẩm đi về phía Đức, đang thả neo ở cảng Falmouth. Phát khùng vì giận dữ, Kaiser (Hoàng đế) Đức Wilhem II (27/1/1859 – 4/6/1941) tuyên bố: Kể từ nay trở đi, mọi loại hàng hóa di chuyển về phía Anh sẽ bị Đức xem là hàng lậu. Đến ngày 18-2-1915, Đức coi “mọi vùng biển chung quanh Anh đều là vùng chiến sự”, và “các tàu buôn của nước thù địch xuất hiện trong phạm vi đó sẽ bị tiêu diệt mà không cần cảnh cáo đến hành khách cũng như thủy thủ đoàn”. Nước Anh dĩ nhiên không hề “ngán ngại”. Luân Đôn trả lời rằng họ cũng không cho phép bất cứ tàu trung lập nào được phép đi vào hay rời khỏi các hải cảng của Đức – một cuộc phong tỏa toàn diện.

Và hơn thế, đó còn là một bậc thang kế tiếp, của sự mở rộng phạm vi cũng như đối tượng hướng đến cho các hoạt động quân sự trên biển. Là sự xóa nhòa các khái niệm trung lập trong những quy ước quốc tế.

Một cuộc tấn công tàu buôn của tàu ngầm Đức.

Sai lầm chết người của nước Đức

Thực ra, tuyên bố phong tỏa toàn diện của Anh áp đặt lên lãnh hải Đức khiến mọi quốc gia trung lập đều không hài lòng. Họ đều có những mối quan hệ “làm ăn”, và cũng vẫn cần duy trì những tuyến đường hàng hải huyết mạch đến các bờ biển Đức. Song, thay vì tận dụng điều này để tạo ưu thế trên lĩnh vực ngoại giao, nước Đức lại chọn… tấn công nước mạnh nhất trong tất cả các quốc gia trung lập đó: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Cuối tháng 4-1915, một chiếc tàu buồm xa hoa và lộng lẫy mang tên Lusitania khởi hành từ New York (Mỹ) trở về Liverpool (Anh). Chính phủ Đức cảnh cáo rằng nó có thể bị đánh chìm tại chỗ, nhưng Lusitania vẫn nhổ neo theo lịch trình. Ngày 7-5-1915, từ tàu ngầm U-20 của Đức, hai trái ngư lôi phóng vùn vụt về phía Lusitania. Nó chìm xuống đáy biển, mang theo 1.198 người, hầu hết là thường dân, trong đó có 128 công dân Mỹ (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em).

Nước Mỹ, trước đó vẫn bảo lưu vị thế trung lập cho dù mang khuynh hướng thân Anh, sôi sục vì giận dữ. Tuy họ chưa tham chiến ngay, do Tổng thống Woodrow Wilson vẫn còn chưa sẵn sàng rời bỏ chủ nghĩa biệt lập theo học thuyết Monroe (lựa chọn rõ ràng là mang lại nhiều lợi ích cũng như lợi nhuận hơn so với việc tham chiến), song tâm lý chung của đa số người dân Mỹ đã nghiêng sang hướng thù địch với Đức (trừ những nhóm người Mỹ gốc Đức). Để rồi, như tất cả chúng ta đều biết, đến ngày 6-4-1917, Mỹ chính thức tuyên chiến với Đức.

Trong quãng thời gian hai năm đó, sự mở rộng hình thái chiến tranh “tàu ngầm không hạn chế” từ phía Đức không chỉ gây rất nhiều tổn hại cho Anh cũng như phe Đồng minh, mà còn đe dọa trực tiếp đến “sân sau” Mỹ Latin của Washington, khiến Woodrow Wilson từng phải điều quân đến trấn giữ Haiti, và khiến dư luận Mỹ đòi hỏi quân đội Hoa Kỳ tham gia cuộc đại chiến. Song, ngược lại, nước Đức cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ do thiếu hụt hậu cần tiếp tế trầm trọng.

Bức điện của vua Kaiser Wilhem II gửi đến tất cả các hạm đội Đức ngày 9-1-1917, rằng: “Ta ra lệnh triển khai một chiến dịch tàu ngầm không hạn chế, và nó phải được tiến hành với sự mạnh mẽ vĩ đại nhất!”, đặt mọi hải đoàn tàu buôn trên thế giới trước một thử thách sinh tử, và cũng có nghĩa là biến các tàu ngầm Đức thành kẻ thù của tất cả. Nước Đức đã tự cô lập mình thành công. Trong khi đó, giới tài phiệt Mỹ cảm thấy họ sẽ không thể chịu đựng nổi nếu nước Đức chiến thắng, bởi hàng tỷ USD (tính theo tỷ giá hối đoái lúc đó) - đã được họ “hào phóng” cho Anh và Pháp vay (thay vì cho Đức vay) trước và sau sự kiện Lusitania – có nguy cơ mất trắng.

Chiến tranh, vì thế, vĩnh viễn không còn là chuyện riêng của các quân nhân…

Đông Thiên