Khoa học bối rối khi phát hiện một hành tinh đang... sinh con

PDS 70 là ngôi sao loại K7, nằm cách xa Trái Đất 370 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Centaurus, còn có tên V*V1032 Cen hoặc IRAS 14050-4109.

PDS 70 đã kịp sinh ra 2 tiền hành tinh và vẫn còn dấu vết một đĩa bụi cùng khí khổng lồ ở khu vực cách sao mẹ từ 40 đơn vị thiên văn (AU) trở đi, cho thấy sẽ còn nhiều thứ thú vị khác tiếp tục được hình thành.

Hành tinh đầu tiên của nó mới chỉ là một tiền hành tinh, nằm cách sao mẹ 22 AU, tương đương 22 lần khoảng cách Mặt Trời – Trái Đất, và bằng từ Mặt Trời đến Sao Thiên Vương.

Hành tinh thứ 2 mang tên PDS 70c, cách sao mẹ 34 đơn vị thiên văn, nằm ở vị trí tương đương Sao Hải Vương trong hệ Mặt Trời. Cho dù vẫn chỉ là một tiền hành tinh non trẻ, nó đã kịp bắt đầu "sinh con".

Hành tinh sơ sinh này tuy chưa định hình hoàn toàn vẫn được bao bọc xung quanh bởi một đĩa ngoại hành tinh, nơi được dự đoán sẽ hình thành ít nhất 3 vệ tinh tự nhiên có kích cỡ tương đương mặt trăng của Trái Đất.

Bên cạnh đó, đĩa ngoại hành tinh của PDS 70c lớn hơn 500 lần so với các vòng lớn xung quanh sao Thổ.

Việc lần đầu phát hiện đĩa hình thành mặt trăng quanh ngoại hành tinh giúp các nhà khoa học hiểu thêm về cách các mặt trăng hình thành trong những hệ sao trẻ cũng như hiểu thêm về sự hình thành hành tinh.

Hai ngoại hành tinh PDS 70b và PDS 70c được phát hiện qua Kính thiên văn Rất lớn (VLT) của đài quan sát phía nam Châu Âu (ESO) ở Chile vào năm 2018 và 2019.

Những ngoại hành tinh này vẫn đang trong quá trình hình thành mang tới cơ hội độc nhất vô nhị cho các nhà thiên văn học nghiên cứu và quan sát quá trình hình thành.

Những quan sát mới nhất xác định PDS 70b không có đĩa ngoại hành tinh riêng, cho thấy khả năng có hành tinh khác đã đánh cắp vật chất của hành tinh này.

Phát hiện mới này cũng được đánh giá là gây tò mò cho các nhà thiên văn học vì những mặt trăng quanh các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời vốn khó nắm bắt.

Việc phát hiện ngoại hành tinh vốn rất khó và việc tìm kiếm mặt trăng quanh những hành tinh này thậm chí còn khó hơn vì chúng mờ và nhỏ hơn nhiều.

Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV

Thùy Dung (T.H)