Khối ngoại bán ròng kỷ lục, tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc

Lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô và các vấn đề bất động sản ở Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút vốn khỏi các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, họ đã bán ròng hơn 80,1 tỷ nhân dân tệ (10,97 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông thông qua chương trình Kết nối chứng khoán (Stock Connect). Con số này ghi nhận mức bán ròng hàng quý lớn nhất kể từ khi thiết lập chương trình thiết lập thị trường chung năm 2014.

Stock Connect là chương trình hỗ trợ tiếp cận thị trường tương hỗ, qua đó cho phép các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông giao dịch các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường khác thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và trung tâm thanh toán bù trừ tại ngay thị trường quê nhà.

Theo Financial Times, các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu Trung Quốc do các biện pháp hỗ trợ từng phần từ Bắc Kinh không xoa dịu được mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ trong lĩnh vực bất động sản của nước này.

Mối lo về ngành bất động sản Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong tuần này khi “ông lớn” Evergrande đối mặt với nhiều vấn đề hơn về thanh khoản, cộng thêm thông tin nói rằng Chủ tịch, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn của Evergrande đang bị cảnh sát giám sát.

Điều này khiến giới đầu tư trong nước và quốc tế đều bi quan về tình hình kinh tế Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát, nhất là giới chuyên gia quốc tế, cho biết họ khó hiểu về chính sách kinh tế của Trung Quốc. Doanh nghiệp quốc tế cũng không mấy lạc quan.

Nền kinh tế 1,4 tỷ dân đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề - bao gồm tăng trưởng chậm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và thị trường bất động sản hỗn loạn.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đưa ra dự đoán khá lạc quan về kinh tế Trung Quốc khi cho rằng GDP Trung Quốc có thể đạt khoảng 5%.

Theo IMF, Trung Quốc có thể tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong trung hạn nếu thực hiện các bước cải cách nền kinh tế để tái cân bằng tăng trưởng từ đầu tư sang chi tiêu tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia Trung Quốc nhận định, tiềm năng tiêu dùng hiện nay rất lớn khi mà số dư tiết kiệm gửi ngân hàng của của người dân khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ (gần 960 tỷ USD).

Nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của JLL không kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thay đổi lớn về chính sách trong thời gian còn lại của năm nay, nhưng dự báo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục giảm lãi suất và tăng trưởng sẽ hồi phục một cách tự nhiên.

Nhìn trong dài hạn, ông Yao dự báo kinh tế Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng 5,5% mỗi năm nhờ lượng tiền tiết kiệm lớn và những bước tiến lớn của Trung Quốc về ô tô điện, năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.

Đăng Phạm

Theo Nikkei