Làn sóng Covid-19 mới 'phủ bóng đen' lên hy vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản

Triển vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản đang lung lay vì Covid-19. (Nguồn: KT/VOV)

Trước thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp về đại dịch Covid-19 lần thứ 3, một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản cho biết, mức tăng trưởng GDP từ tháng 1-3/2021 được dự báo sẽ giảm 6,09% thực tế hàng năm so với quý trước, đây là mức suy giảm đầu tiên trong ba quý liên tiếp.

Đồng thời, nhiều nhà phân tích đã kỳ vọng rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.

Tuy nhiên, sự lạc quan đó đang dần “lung lay” khi tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, đặc biệt khả năng lây lan mạnh đến từ các chủng đột biến, dẫn đến yêu cầu không chỉ các cơ sở phục vụ rượu mà còn các cơ sở thương mại lớn như cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và công viên giải trí tạm thời đóng cửa.

Theo nhận định mới đây của chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Daiwa Keiji Kanda, do tác động của các biện pháp khẩn cấp lần này, nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ tăng trưởng âm trong quý hiện tại. Các biện pháp mạnh hơn ước tính sẽ làm tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản giảm 600 tỷ Yen (5,6 tỷ USD) mỗi tháng.

Chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán SMBC Nikko Yoshimasa Maruyama cũng dự báo, nền kinh tế sẽ giảm 4,0% thực tế hàng năm trong quý hiện tại. Tình trạng khẩn cấp thứ 3 dự kiến sẽ cắt giảm tiêu thụ 1,3 nghìn tỷ Yen so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.

Một số nhà phân tích còn nhận định, tình trạng khẩn cấp có thể sẽ không kết thúc trong vài tuần như kế hoạch của chính phủ mà có thể được kéo dài đến hai tháng hoặc lâu hơn và mở rộng ra các địa phương. Khi đó thiệt hại kinh tế sẽ tăng lên trên toàn quốc.

Hôm 23/4 vừa qua, Thủ tướng Suga Yoshihide đã phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 25/4 đến ngày 11/5 ở 4 địa phương. Đây là nỗ lực hạn chế sự gia tăng dịch Covid-19 trong Tuần lễ vàng sắp tới - một trong những thời điểm bận rộn nhất trong năm để đi du lịch và mua sắm.

Theo tuyên bố, chính quyền địa phương sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn, bao gồm việc đóng cửa các cơ sở phục vụ rượu, cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm.

(theo VOV)