Lắng nghe người dân hiến kế: Nâng tầm di sản văn hóa của Cần Giờ

Trong quá trình trở thành đô thị sinh thái hiện đại vùng Đông Nam Bộ, việc bảo tồn, phát huy thế mạnh của các di sản văn hóa của huyện Cần Giờ đang trở thành chủ đề đáng quan tâm và cần thực hiện mạnh mẽ.

Khai thác song song bảo tồn

Chỉ cách trung tâm TP HCM 50 km và là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, việc đẩy mạnh phát triển du lịch ở Cần Giờ là cần thiết nhưng phải đặt trong tổng thể phát triển đô thị sinh thái để có các giải pháp phù hợp.

Đầu tiên là tạo dựng, nâng tầm các di sản văn hóa của huyện. Với các di tích lịch sử như Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, việc khai thác mà vẫn ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử sẽ tạo nên một biểu tượng cho văn hóa của Cần Giờ nói riêng và đất nước nói chung. Muốn vậy, tách bạch hoạt động khai thác và bảo tồn, kêu gọi đầu tư hình thành hạ tầng tốt hơn cho du lịch khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm, tâm linh. Phối hợp với người dân tham gia bảo tồn di tích nhưng vẫn trưng bày cho khách tham quan. Tạo dựng chương trình văn hóa cấp quốc gia để giới thiệu trên bình diện quốc tế giá trị và nét đẹp của khu di tích này.

Du khách tham quan Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiếp đến, lập hệ thống phương tiện công cộng di chuyển thuận tiện đến Cần Giờ, nhất là đầu tư một hệ thống xe buýt giá rẻ. Khoảng cách 50 km rất dễ dàng di chuyển từ trung tâm TP HCM đến Cần Giờ nhưng khách du lịch chưa mặn mà chính là vì giao thông. Giải pháp cần thiết là đầu tư hạ tầng giao thông tốt và tăng cường quảng bá sức hấp dẫn của điểm đến này.

Hiện đã có định hướng nghiên cứu xây cầu Cần Giờ, mở rộng đường Rừng Sác và các cây cầu trên tuyến, làm đường trên cao dọc đường Rừng Sác... kết nối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng như hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè. Tuy vậy, trong thời gian chờ hoàn thành đề án này, rất cần chú trọng nâng cấp dịch vụ bến phà Bình Khánh - tuyến đường thủy quan trọng kết nối Cần Giờ và Nhà Bè, cũng như bảo đảm hoạt động của đường Rừng Sác để thu hút khách du lịch, dần biến nơi đây thành điểm đến quen thuộc.

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Mở các đợt cao điểm tập huấn cho người dân và hướng dẫn viên, nhất là kiến thức sâu rộng về di tích để lưu giữ giá trị văn hóa của di tích. Lấy ví dụ các địa phương của Nhật Bản đều có lễ hội bản địa và các điểm tham quan, đặc biệt mỗi người dân địa phương đều am hiểu, có kiến thức nhất định về các lễ hội trên địa bàn cũng như đền, chùa, điểm tham quan... Khi du khách cần tìm hiểu, ai cũng có thể giới thiệu. Được như vậy là do công tác truyền thông, tập huấn và truyền thống gia đình kết hợp cùng với phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta có thể học hỏi cách làm này. Để một người dân địa phương là một đại sứ du lịch, cần phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương cũng như những công nghệ mới trong việc gìn giữ di tích cho người dân; tổ chức các chương trình huấn luyện bài bản cho những người trực tiếp bảo quản di tích...

Để nâng tầm và lan tỏa hình ảnh các di sản văn hóa, phát triển du lịch, nhất thiết phải xử lý mạnh những hành vi làm tổn hại đến di tích; tăng cường xử phạt những hành vi làm xấu hình ảnh điểm đến như "chặt chém", chèo kéo, ăn xin, gây khó dễ cho khách, cạnh tranh không lành mạnh…

Bên cạnh đó, các chương trình, cuộc thi, lễ hội cần được đầu tư tổ chức bài bản, dịch vụ hạ tầng phục vụ du lịch cần xây mới, nâng cấp hơn. Đẩy mạnh giới thiệu Cần Giờ đến bạn bè bốn phương thông qua các tiện ích của công nghệ thông tin, mạng xã hội và đặc biệt là sự chung tay của các cơ quan truyền thông trong nước, quốc tế.

Kim Cương

Đinh Thành Trung