Lơ ngơ như... nhà thơ xuất ngoại

Sinh cùng năm, chỉ chênh vài tháng nên có lúc chúng tôi xưng hô bỗ bã mày- tao, còn lúc thân mật nhất thì ai cũng muốn làm anh, còn người kia là em, xưng anh và gọi chú mày. Hơn 10 năm trước, chúng tôi đi châu Âu và có nhiều chuyện đáng nhớ…

1. Trước ngày đi, thấy tôi lo lắng vì cả hai đều ấm ớ tiếng Anh, Sinh cười hề hề kể: Cùng lắm thì như ông Bảo Ninh trước khi đi Nhật. Ở nhà chờ, ổng cứ loay hoay không biết tìm đâu ra cửa lên máy bay về Việt Nam. Toát hết cả mồ hôi, bỗng nhà văn của "Nỗi buồn chiến tranh" nổi tiếng chợt nhớ tới tờ giấy viết sẵn câu tiếng Anh "Giúp tôi chỉ đường đến cửa máy bay về Việt Nam" trong túi comple, mới móc ra nhờ vả một người Nhật ngồi bên cạnh. Ông người Nhật đọc xong, xem vé, biết sắp đến giờ máy bay cất cánh, bèn túm tay ông Bảo Ninh và vali kéo đi. Đi như chạy. Chạy vã mồ hôi. Vừa kịp, ông Bảo Ninh là người cuối cùng lên máy bay...

Ở thủ đô Warszawa - Ba Lan (từ trái sang: nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Lâm Quang Mỹ, nhà thơ Lê Quang Sinh, nhà thơ Nguyễn Văn Điền, nhà văn Hoàng Minh Tường).

Xuống sân bay Frankfurt (Đức) lúc 6h30 sáng, nhưng chúng tôi phải chờ đến 2h chiều mới lên máy bay đi Warsaw. Lúc làm thủ tục, hỏi gì cũng không hiểu, mặt cứ thộn ra. Cô nhân viên hãng Lufthansa lắc đầu cười mỉm, bấm điện thoại gọi đi đâu đó, rồi quay lại chỉ vào cái ghế, bảo chúng tôi: "Sit here please".

Sinh nghe xong vội vã kéo vali đi nhanh ra cửa. Cũng may, tôi còn nghe được mấy từ này, túm áo Sinh lại: "Nó bảo: làm ơn ngồi xuống đây. Sao mày cứ xồng xộc đi?". "Thì ai mà biết được. Tao có giỏi tiếng Anh như mày đâu". Sinh trêu cái thằng cũng dốt tiếng Anh là tôi, cười rất to chữa thẹn, rồi hỏi: "Nhưng, sắp đến giờ bay rồi, sao còn ngồi ở đây?". "Nó bảo ngồi thì cứ ngồi. Chắc có ý gì đấy. Trông đồ, tao đi vệ sinh cái". Sinh nghe lời ngồi nem nép xuống ghế cùng với hai cái vali to đùng. Nhân viên hãng Lufthansa vẫn làm việc tất bật rộn ràng với hành khách.

Lúc tôi quay lại thì không thấy Sinh đâu, hai vali cũng biệt tích. Chạy tới chạy lui, tôi thấy Sinh đang ngồi chễm chệ trên cái xe 4 bánh không mui màu vàng cùng với hai chiếc vali. Tôi gọi Sinh và quát: "Sao mày đi mà không gọi tao?". "Ai biết được. Nó bảo đi thì đi. Với lại tao nghĩ: Mày giỏi tiếng Anh thì đi sau tí, cũng gặp nhau ở máy bay". Điên cả tiết! Tôi bảo: "Vâng! Cho nên tôi mới không bị người ta đem xe dành cho người tàn tật rước đến cửa an ninh". Sinh chột dạ: "Xe người tàn tật thật à?". "Thì mày xem". Sinh ngó đi nhìn lại. Quả thật là xe dành cho người tàn tật, in kí hiệu hẳn hoi.

Chúng tôi không phải người tàn tật sinh học, nhưng là tàn tật ngoại ngữ. Tự nhiên hai thằng phá lên cười. Ú ớ. Lơ ngơ lại được xe chở ra cửa an ninh lên máy bay, mà đường đi có vẻ dài nửa cây số khỏi phải đi bộ. Ngượng ngùng nhưng mà mừng, AQ thế là cùng.

2. Chúng tôi đến thành phố Nice (Pháp), đi bộ ngắm nhìn phố cổ được vài trăm mét thì Lê Quang Sinh kêu mỏi chân đúng lúc một chiếc xe bus dừng lại bến. Chen vai thích cánh. Người da trắng, người da đen, người da vàng, kẻ bám người đu đến nghẹt thở. Mùi mồ hôi lẫn nước hoa giữa chiều hè tháng 7 nóng nực rất khó thở. Đi được một trạm, tôi bảo hai bố con Sinh: "Xuống thôi. Không ngờ nước Pháp mà xe bus lại khốn khổ hơn Hà Nội". Con gái Sinh bảo: "Dạo này, dân bắc Phi tràn sang đầy đường Marseille và Nice bác ạ. Chứ mấy lần trước cháu và các bạn đến đây chơi, cũng thưa vắng khách lắm".

Lúc đứng bên quầy bán đồ giải khát ở vỉa hè mua mấy chai coca cola uống, Sinh móc túi trả tiền, bỗng kêu thất thanh: "Tao mất ví rồi." Tôi và con gái Sinh sững người. Sinh móc túi quần, túi ngực, túi đằng sau, chỉ thấy trống rỗng, miệng cứ lẩm bẩm: "Mất ở đâu nhỉ? Mất ở đâu nhỉ?". Tôi bảo: "Trước khi lên tàu ở Monaco, tao còn thấy cái ví phồng to trong ngực áo mày". Con gái Sinh bảo: "Thôi, đúng rồi. Bố mất ví lúc chen nhau ở xe bus. Con nhìn mấy thằng tóc xoăn da đen bặm trợn là con nghi lắm. Cố né xa không dám đứng gần". "Sao mày không bảo bố?". Sinh quát con gái. Tôi bảo: "Đã sơ ý đánh mất ví còn quát con. Thế thẻ căn cước, visa mày có bỏ trong ví không?". Sinh cười: "Không! May mà con bé này dặn bố để khách sạn". Con gái Sinh hỏi: "Bố để bao nhiêu tiền trong ví?". "Chả để đồng nào. Có bao nhiêu bố đưa con cầm hết rồi mà". Con gái Sinh thở phào. Tôi cũng thở phào: "Cái ví rỗng cũ sờn mất, mà cũng kêu hốt hoảng". Cả ba chúng tôi cùng cười, rồi đi bộ ra bãi biển hóng gió Địa Trung Hải.

Biển xanh. Gió mát. Bãi cát vàng. Vô số những viên sỏi nhẵn thín dải trên bãi cát hình vòng cung và cũng rất đông người tắm biển nằm phơi nắng. Có nàng còn thả rông ngực nằm ngửa đón ánh nắng nhuộm cho da nâu. Chúng tôi mê mải chụp ảnh và ngắm trời nhìn biển, nhìn vẻ đẹp trẻ trung ngọc ngà của tạo hóa dưới nắng chiều bãi biển Địa Trung Hải, rồi quay lại phố phường thụ hưởng mỹ thuật kiến trúc cổ. Bất chợt tôi nhìn đồng hồ thì chỉ còn 10 phút nữa là đến giờ tàu cao tốc dừng ở Nice. Con gái Sinh bảo: "Không kịp đi xe bus đâu bố ơi". Cũng chẳng thấy cái xe taxi nào mà vẫy, chỉ còn biết… chạy. Chạy. Chân guồng, miệng thở, và trống ngực đập to hơn trống làng. Đang chạy, bất chợt mắt sáng lóe lên, Sinh dừng lại và cúi xuống. Hóa ra, ông nhà thơ bắt gặp… cái ví cũ sờn của mình bị vứt lăn lóc ngay bên thùng rác bến xe bus lúc chúng tôi lên lúc ban đầu. Tôi hét lên: "Vứt mẹ nó đi. Về nước tao mua cho một cái ví da cá sấu. Chạy nhanh lên, tàu sắp vào ga rồi".

Vào trong ga, trình vé ra thì tàu đang sầm sập chạy đến gần ở đường sắt bên kia. Lại chạy. Con gái Sinh chạy trước xuống hầm đi bộ, tôi cũng chạy theo, lại còn biết quay đầu kêu Lê Quang Sinh: "Chạy xuống hầm theo tao". Chả biết Sinh có nghe thấy không, ông không theo mà… chạy băng qua đường tàu sang bên kia. Khi con gái Sinh và tôi vừa ngóc đầu lên khỏi hầm đi bộ thì đã thấy một ông cảnh sát to như con gấu đeo khẩu súng ngắn ngang hông giữ nhà thơ Lê Quang Sinh lại.

Viên cảnh sát đưa Sinh vào trong ga gặp sếp để giải quyết. Ông ta nhìn soi mói, cứ như chúng tôi vừa trên sao Hỏa xuống, rồi nói. Dĩ nhiên là con gái Sinh lại phiên dịch: "Ông ấy bảo rằng, bố bị phạt giam 24 tiếng đồng hồ, vì vi phạm an toàn giao thông".

Sinh lo lắng. Tôi cũng lo. Sinh mà bị giam 24 tiếng thì vật vạ ở Nice. Vali, quần áo, đồ đạc để lại ở Marseille, ăn làm sao, ngủ làm sao, tiếp tế đồ ăn cho Lê Quang Sinh thế nào? Con gái Sinh cũng âu sầu ra mặt. Chả hiểu sao lúc ấy, tôi thông minh đột xuất, bảo con gái Sinh: "Cháu nói với ông ấy là bác và bố cháu là nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ thì có lúc lơ ngơ như người bay trên không trung. Mải nghĩ ngợi về đất nước và con người nước Pháp đẹp quá. Quên cả giờ tàu nên ra nông nỗi này".

Viên sếp nghe xong, tự nhiên bật cười: "Mày bảo bố mày là nhà thơ, thì có thuộc bài thơ nào nổi tiếng của nước Pháp đọc xem nào?". Con gái Sinh dịch lại, làm chúng tôi ngớ người. Đột xuất quá, làm sao nhớ được. Tiếng là nhà thơ, nhưng không thể thuộc thơ của mọi nền văn học, Lê Quang Sinh chỉ thuộc thơ Đường và thơ Nga, thuộc nhất là thơ Puskin và Lermontov. Đúng lúc đó tôi chợt nhớ: "Ơgien Pôchiê, ông đọc đi”. Sinh hỏi lại: "Ơgien Pôchiê là cái gì?". "Là ông nhà thơ sáng tác phần lời Quốc tế ca. Chú mày không thuộc à?". "À… Bài thơ này thì ai mà chả thuộc". Thế rồi Sinh hắng giọng đọc, còn con gái Sinh dịch sang tiếng Pháp, đọc mà như hát: "Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian/ Vùng lên! Hỡi ai cực khổ bần hàn… Đấu tranh này là trận cuối cùng/ Kết đoàn lại để ngày mai/ Lanh-téc-na-xi-ông-na-lơ/ Sẽ là xã hội tương lai". Giọng Sinh to, vang một góc nhà ga khiến nhiều người đứng lại nghe, có người còn hát cùng. Viên sếp cảnh sát ga Nice mắt lim dim, chân nện đế giầy xuống nền gạch hoa, miệng lẩm bẩm theo. Kết thúc đọc thơ, mọi người vây xung quanh đều ồ lên, rồi vỗ tay.

Mọi sự thay đổi hoàn toàn ngay sau đó. Viên sếp cảnh sát ga Nice cười vui vẻ bắt tay Lê Quang Sinh, bắt tay tôi, rồi nói những gì đó với con gái Sinh mà nó cười tươi.

Lỡ chuyến rồi nên phải mua vé lại về Marseille. Lê Quang Sinh cứ day dứt mãi về chuyện làm lỡ chuyến, rồi lại bồn chồn mà vui vì không bị muỗi đốt ở đồn cảnh sát Pháp. Thì ra, viên sếp cảnh sát là cháu gọi nhà thơ Eugène Pottier là cụ. Mọi băn khoăn của Sinh và cả tôi nữa bỗng nhiên vỡ òa. Eugène Pottier là nhà thơ của dân nghèo và công nhân. Trong "Tuần lễ tháng 5 đẫm máu" năm 1871 của Công xã Paris, nhà hoạt động xã hội Eugène Pottier đã sáng tác bài thơ L'Internationale (Quốc tế), và 7 năm sau được nhạc sĩ Pierre Degeyter phổ nhạc, gọi là Quốc tế ca. Viên sếp cảnh sát ấy thấy một nhà thơ nước ngoài, lại thuộc thơ của cụ mình sáng tác từ cuối thế kỉ 19 nên không phạt cũng chẳng có gì khó hiểu.

Nhà văn lứa chúng tôi trở về trước, thời trẻ ra chiến trường, lúc trở về tuổi cũng lớn, học ngoại ngữ cứ vào tai nọ lại ra tai kia. Ít người giỏi ngoại ngữ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đi Mỹ như đi chợ, nhà thơ Hồ Anh Thái nghề ngoại giao đi khắp năm châu… Không biết ngoại ngữ là một thiệt thòi cả lúc ngoài đời, cả khi sáng tác, đôi khi mất tự tin là điều có thật.

Về nước, nhà thơ Lê Quang Sinh đến trung tâm học tiếng Anh buổi tối. Chả biết trình độ cỡ nào, nhưng bây giờ cứ một mình, hoặc dẫn vợ đi thăm con đang làm tiến sĩ ở Botston - Massachusetts - Mỹ. Hứng lên, ông bay sang Canada, sang Mexico, bay sang Nam Phi chiêm ngưỡng Mũi Hảo Vọng, và lại còn ôm ấp làm thơ bằng tiếng Anh để con trai in ở Mỹ đấy. Bây giờ thì Lê Quang Sinh "ranh ma" như thương gia xuất ngoại rồi, không còn cái thuở tôi và Sinh lơ ngơ như nhà thơ đi nước ngoài hơn mười năm trước nữa.

Sương Nguyệt Minh