Lộ video Bayraktar bị bắn hạ tại Syria?

Theo hãng AMN, vụ đánh chặn diễn ra khi chiếc máy bay tấn công không người lái (UCAV) đang cố gắng tiếp cận vị trí của Quân đội Ả Rập Syria (SAA) trong khu vực Aleppo để thực hiện tấn công hôm 2/8.

"Vụ bắn hạ được các tay súng SAA thực hiện bằng tên lửa phòng không vác vai Igla-S. Đòn tấn công chính xác đã hạ gục chiếc UCAV khi chúng chưa kịp tấn công", AMN dẫn nguồn tin quân sự địa phương cho biết.

Bayraktar trong một lần bị bắn hạ.

Khi tiếp cận hiện trường, những binh sĩ SAA mới phát hiện mục tiêu bị bắn hạ là chiếc Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với AMN, hãng thông tấn Southfront cũng đăng tải thông tin tương tự và kèm theo hình ảnh để chứng minh.

Hình ảnh được công bố trong đoạn video không cho thấy tình huống quả đạn lao vào máy bay mà chỉ thấy một chiếc máy bay đang bốc cháy ngùn ngụt và lao nhanh xuống đất. Hiện cả SAA, lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về thông tin cùng hình ảnh của vụ việc.

Nếu Thổ xác nhận thì đây là lần thứ 2 kể từ cuối tháng 7, Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi tại Syria. Nhưng khác với vụ việc hôm 2/8 với tên lửa Igla-S, trong vụ tấn công cuối tháng 7, SAA đã sử dụng hệ thống Pantsir-S1.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Nga, do kích thước tương đối lớn nên Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị tiêu diệt từ xa bằng Pantsir-S1 hoặc tên lửa vác vai.

"Chiếc Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là một mục tiêu dễ nhìn thấy nhiều hơn so với những loại UAV cỡ nhỏ khác, có thể bị bắn trúng từ mặt đất ngay cả bằng pháo phòng không", Southfront dẫn lời chuyên gia giấu tên người Nga.

Đánh giá về dòng UCAV tối tân hàng đầu của Thổ, chuyên gia quân sự Mỹ Jeff Jaworski đã cho thấy máy bay không người lái Bayraktar không hề thần diệu như những gì được giới thiệu.

Theo chuyên gia Mỹ, trong cuộc chiến tranh tại Bắc Syria, Libya, và đặc biệt trận đụng độ kéo dài 6 tuần ở Nagorno-Karabakh đã làm nên tên tuổi của Bayraktar TB2 khi nó chứng tỏ là một phương tiện tác chiến đáng gờm, đã tấn công hiệu quả các phương tiện bọc thép của đối phương ở khoảng cách lên đến 8 km.

Tuy vậy, Jeff Jaworski lưu ý rằng trong chiến tranh, thường có động thái thổi phồng thiệt hại của đối phương và che giấu tổn thất của mình, đây được xem là chuẩn mực, một yếu tố của thông tin và tuyên truyền sai lệch và điều này không là ngoại lệ với chiếc Bayraktar TB2.

Nga không nói việc một số tổ hợp Pantsir-S1 bị Bayraktar phá hủy nhưng họ cho rằng đó là bởi trình độ của binh sĩ Ả Rập quá thấp và khẳng định với người dùng khác, các tổ hợp phòng không này đã thể hiện tốt hơn nhiều. Câu hỏi đặt ra là số lượng Pantsir-S1 thực sự bị tiêu diệt cũng như số UAV bị bắn rơi sau những cuộc đối đầu giữa chúng.

Chuyên gia quân sự Mỹ Jeff Jaworski sau khi tự tìm hiểu đã kết luận rằng ở Libya, UCAV của Thổ chỉ có thể hạ gục 9 hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất, trong khi Pantsir-S1 bắn hạ tới 47 chiếc Bayraktar trong những cuộc chiến kể trên.

Nếu đơn thuần so sánh chi phí thì 9 hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 trị giá 118 triệu USD, trong khi 47 chiếc UAV Bayraktar TB2 bị bắn rơi có giá lên tới vài trăm triệu USD cho thấy cái giá Thổ phải trả lớn đến mức nào.

Hình ảnh được cho là chiếc Bayraktar bị Syria bắn hạ

Thanh Hà