Một số quốc gia láng giềng muốn mua điện sạch của Việt Nam

Về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học và Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cho biết, cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước láng giềng. Đến năm 2021, tổng công suất lắp đặt của các nguồn điện là 78,4 GW, quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu ASEAN. Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời).

Không nhanh sẽ mất cơ hội

Đặc biệt, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW.

Mục tiêu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện Việt Nam đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) là để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Toán cho biết hiện nay, ông đã nhận được ngỏ ý thăm dò về cách thức làm sao để mua điện sạch từ Việt Nam của các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia thông qua đường biển vào giai đoạn sau năm 2030.

“Một doanh nghiệp lớn của Singapore ngỏ ý muốn mua 4 GW/năm, còn Malaysia muốn mua khoảng 10 GW/năm. Tuy vậy, họ vẫn đang ở trạng thái thăm dò xem chính sách pháp luật của Việt Nam giai đoạn này có ủng hộ hay không”, ông Toán thông tin với VnBusiness.

Theo chuyên gia này, để có thể bán điện cho các quốc gia láng giềng cần phải có quy định rõ ràng là Việt Nam dành phần biển nào để xuất khẩu, đặc biệt là chọn dự án, từ đó Bộ TN&MT dựa vào đó để cấp phép.

“Nói chung là rất khó và còn nhiều việc phải làm”, ông Toán chia sẻ.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện của Việt Nam đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mới đây, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay trên địa bàn 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liệu, Sóc Trăng còn tiềm năng và dư địa rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi và điện mặt trời khu vực ven biển). 3 tỉnh này có thể phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời xuất khẩu với tổng quy mô công suất từ 26.000 - 36.000 MW. Trong đó, Bạc Liêu dự kiến có thể phát triển 10.000MW điện gió ngoài khơi và 6.000 MW điện mặt trời.

Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, ngoài phần phát triển phục vụ nhu cầu điện trong nước, còn có thể xuất khẩu điện "sạch" sang các nước lân cận, trong đó Singapore là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu điện "sạch" lớn nhất.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT tạo điều kiện thúc đẩy, hiện thực hóa các dự án xuất khẩu điện, góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia.

Theo thông tin từ Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore (EMA) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), EMA đã nhận được hơn 20 đề xuất cung cấp điện sạch cho Singapore từ 6 nước trong khu vực như nhập khẩu điện mặt trời từ Úc, nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Ấn Độ thông qua tuyến cáp ngầm biển, nhập khẩu điện mặt trời từ Indonesia và nhập điện mặt trời và thủy điện từ Campuchia...

Do vậy, nếu Việt Nam không sớm bắt tay vào triển khai dự án, khảo sát biển để xác định tiềm năng, sẽ khó tận dụng được cơ hội, cũng như sẽ tuột mất cơ hội xuất khẩu điện sạch vào “tay” các quốc gia khác.

Lo nhà đầu tư chọn "lướt sóng" bất động sản thay vì làm năng lượng sạch

Vấn đề xuất khẩu điện cũng được Bộ KH&ĐT đề cập khi góp ý về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần xác định “các dự án xuất khẩu điện, xuất khẩu năng lượng mới sản xuất từ năng lượng tái tạo” với mục tiêu “phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu".

Bên cạnh xuất khẩu điện, một trong những vấn đề khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo cũng được nêu ra tại "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" tổ chức ngày 20/9. Đáng chú ý, đặt vấn đề liệu có thể hy vọng dòng vốn chảy từ bất động sản đầu cơ "lướt sóng" chuyển sang làm năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyên gia kinh tế cho biết vừa qua có tư vấn chiến lược về đầu tư điện gió cho 2 công ty và thấy rằng suất đầu tư không hề nhỏ với con số nghìn tỷ đồng. Do vậy, nếu cơ chế chính sách không tốt, thì nhiều nhà đầu tư sẽ có tâm lý thà đi “buôn” bất động sản "lướt sóng" kiếm lời hơn rót vốn vào năng lượng tái tạo.

“Điều đầu tiên mà doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận mà lĩnh vực họ kinh doanh có hấp dẫn không. Theo đó, nhà đầu tư cần chính sách tốt để rót vốn vào ngành điện sạch, giá bán điện cũng phải tốt”, ông Hòa nói.

TS. Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam kể năm 2008, ông làm cố vấn cho một nhà đầu tư điện gió ở Bình Thuận. “Lúc đó, tôi hỏi ông ấy đầu tư như thế này có lỗ không. Ông ấy trả lời biết là lỗ nhưng tin rằng năng lượng gió sẽ sớm trở thành nguồn năng lượng quan trọng ở Việt Nam”, ông Cơ cho biết.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi nguồn năng lượng của Việt Nam, nhưng khi họ đầu tư vào đâu đều phải thấy được lợi nhuận. Tới giờ phút này, giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời còn cao, nếu không có sự trợ giá nhà nước, EVN mua điện giá cao thì họ không có lợi nhuận.

Tuy nhiên, về lâu dài, có thể giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời giảm khi công nghệ phát triển, Nhà nước có thể xem xét giảm, cắt bỏ chính sách trợ giá.

Thy Lê