Mỹ quyết 'đánh chặn' công nghệ Trung Quốc?

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: "Bắc Kinh đã có những hành vi làm mờ lợi thế công nghệ của Mỹ và đe dọa các liên minh của chúng tôi". Theo bà Gina Raimondo, trát đòi hầu tòa sẽ thu thập thông tin để "cho phép đưa ra quyết tâm về hành động khả thi nhằm bảo vệ tốt nhất an ninh của các công ty Mỹ, công nhân Mỹ và an ninh quốc gia của Mỹ".

Reuters cho biết tuyên bố của bà Gina Raimondo không nêu tên bất kỳ công ty nào. Tập đoàn công nghệ Huawei và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc đã bị chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trước đây nhắm tới nhằm loại bỏ khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ.

Huawei và ZTE thường xuyên bị chính phủ Mỹ đưa vào tầm ngắm. Ảnh: Reuters

Mới đây, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã liệt kê 5 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia với nước này. Các doanh nghiệp trên bao gồm Tập đoàn công nghệ Huawei, ZTE Corp, Tập đoàn truyền thông Hytera, Tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Hangzhou Hikvision và Tập đoàn công nghệ Dahua.

Theo Reuters, một đạo luật của Mỹ từ năm 2019 yêu cầu FCC phải xác định những doanh nghiệp cung cấp các trang thiết bị và dịch vụ viễn thông được phát hiện là "tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ".

Vào năm 2019, Mỹ đã liệt Huawei, Hikvision và một số tập đoàn khác vào danh sách đen kinh tế. Năm 2020, FCC cũng liệt hai doanh nghiệp Huawei và ZTE vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia đối với những mạng lưới truyền thông của Mỹ, cũng như cấm các công ty Mỹ sử dụng ngân sách chính phủ trị giá 8,3 tỉ USD để mua các trang thiết bị từ những tập đoàn này.

Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết dự kiến sẽ cho phép tiếp tục quy tắc từ thời Tổng thống Trump nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc – vốn được coi là mối đe dọa đối với an ninh chuỗi cung ứng của Mỹ.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành quy tắc cuối cùng tạm thời trong những ngày cuối cùng của chính quyền ông Trump nhằm giải quyết các mối quan tâm về chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và truyền thông.

Hồi tháng 2, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của công chúng về quy tắc này cho đến ngày 22-3, khi quy tắc có hiệu lực. Các trát đòi hầu tòa sẽ không ảnh hưởng đến thời gian có hiệu lực của quy tắc cuối cùng tạm thời, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm 17-3.

Nơi trưng bày điện thoại và máy tính bảng tại Đại hội Thế giới Di động ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 23-2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Phòng Thương mại Mỹ (USCC) và các đại diện cho các ngành công nghiệp lớn đã nêu quan ngại trong một lá thư gửi Bộ Thương mại vào tháng 1. Theo đó, họ cho rằng quy tắc cuối cùng tạm thời trao cho chính phủ "quyền gần như vô hạn để can thiệp vào hầu như bất kỳ giao dịch thương mại nào giữa các công ty Mỹ và các đối tác nước ngoài của họ liên quan đến công nghệ".

Theo Nhóm bàn tròn doanh nghiệp (The Business Roundtable - một nhóm các giám đốc điều hành công ty có tổng doanh thu hàng năm trên 6.000 tỉ USD), quy tắc nêu trên "không khả thi đối với các doanh nghiệp Mỹ ở hình thức hiện tại".

Huệ Bình