Phân cấp mạnh để phát huy hiệu quả mô hình chính quyền đô thị

Thực hiện mô hình chính quyền đô thị, hàng trăm cán bộ, công chức phường đã chuyển thành cán bộ công chức thuộc biên chế quận.

Phát sinh vướng mắc

Với việc không tổ chức HĐND quận, phường vì thế ngay khi chính thức thí điểm mô hình CQĐT, các quận đã tiến hành rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức; số lượng, tên gọi các cơ quan chuyên môn; ban hành Qui chế làm việc mẫu của UBND quận, phường...

Theo ông Hoàng Sơn Trà-Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, quận đã ban hành 92 quyết định chuyển cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế quận; bước đầu triển khai sắp xếp, bổ nhiệm lại một số chức danh khi thực hiện mô hình CQĐT. Bên cạnh đó, Sơn Trà cũng đã tổng hợp dự toán chi ngân sách 6 tháng cuối năm để TP giao dự toán thực hiện. Theo mô hình CQĐT, các quận, phường không còn là cấp ngân sách mà là đơn vị dự toán ngân sách, được TP bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Toàn bộ các khoản thu ngân sách quận, phường sẽ điều chuyển về TP. Theo ông Trà, khi thực hiện mô hình CQĐT đã phát sinh những hạn chế, vướng mắc nhất định. UBND quận là cấp quản lý nhà nước về tất cả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội…trên địa bàn vì vậy đòi hỏi phải đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất, đặc biệt là những nhiệm vụ văn hóa thông tin, an ninh quốc phòng, khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Trước đây khi còn là cấp ngân sách, quận Sơn Trà sử dụng nguồn tăng thu ngân sách từ 25%-30% so với dự toán thu năm trước, tương đương với số tiền từ 40-50 tỷ đồng (tương đương 50% số tăng thu được hưởng) để bố trí, bổ sung thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất. Tuy nhiên khi thực hiện mô hình CQĐT, quận không có nguồn này để sử dụng nên sẽ không chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh. Ông Trà đề xuất, năm 2022 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025) cần bố trí chi ngân sách cho cấp quận, phường từ 10-15% trên tổng chi ngân sách. Ngoài ra, cần tăng định mức các sự nghiệp từ 2-3 lần so với định mức giai đoạn 2017-2020.

Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, quận đã sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức quận, phường; xắp xếp luân chuyển cán bộ, công chức quận, phường theo tiêu chuẩn, chức danh phù hợp với mô hình CQĐT. Đặc biệt, quận đã triển khai xây dựng chính quyền số, quận thông minh phù hợp với mô hình CQĐT tại quận để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, qua triển khai, quận Liên Chiểu cũng đề nghị tăng chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể tăng từ 80 biên chế hiện nay lên 97 biên chế năm 2022; tăng số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ 219 người hiện nay lên 250 người năm 2022.

Để thực hiện mô hình CQĐT, việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm diễn ra mạnh mẽ, triệt để hơn, do đó đi kèm phải tăng thêm nhân lực, tài chính, tránh tình trạng giảm trên, quá tải dưới.

Tiếp tục phân cấp mạnh hơn

Khi chưa thực hiện mô hình CQĐT thì Đà Nẵng cũng đã tiến hành phân cấp, phân quyền trên nhiều lĩnh vực nhất là về môi trường, đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị…Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền nhưng không gắn với phân bổ kinh phí, nhân lực đã dẫn tới hiệu quả chưa như kỳ vọng. Lần này, khi thực hiện mô hình CQĐT, việc phân cấp, phân quyền sẽ diễn ra mạnh hơn, sẽ khắc phục những hạn chế để nâng cao hơn hiệu quả, hiệu lực của chính quyền.

Theo Đề án Phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo mô hình CQĐT trên địa bàn TP thì HĐND TP sẽ quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách. HĐND TP cũng quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của TP, quận, phường. Trong khi đó, UBND TP quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công. UBND TP cũng quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận.

Cũng theo dự thảo, UBND quận là đơn vị dự toán ngân sách, đề xuất chủ trương đầu tư công dùng ngân sách với TP đồng thời chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính xuống tới cơ sở. Việc phân cấp này nhằm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các quận, trưởng cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, các lĩnh vực trọng tâm sẽ phân cấp là tổ chức bộ máy, nhân lực; quản lý đô thị, đầu tư, đất đai, tài chính-ngân sách…

Việc phân cấp, phân quyền không chỉ diễn ra giữa TP với các quận mà giữa TP với các sở ngành, giữa HĐND TP với UBND TP. Trong năm 2021 ít nhất có 46 nhiệm vụ của UBND TP được ủy quyền, 23 nhiệm vụ của Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho sở ngành, quận huyện. Đà Nẵng sẽ rà soát, điều chỉnh các qui định để giảm 25 đầu việc tại UBND TP, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, đô thị, đầu tư…

Bên cạnh đó, khi thực hiện CQĐT, nhiệm vụ, chức năng của HĐND TP rất lớn, việc phân quyền cho UBND TP trong quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C dùng ngân sách rất cần thiết. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công, đẩy nhanh tiến độ công trình (rút ngắn thời gian khoảng 3-4 tháng). Sau khi dự án được cơ quan chuyên môn thẩm định, UBND TP sẽ quyết chủ trương đầu tư ngay mà không phải chờ đến kỳ họp HĐND TP.

Hiện nay, số lượng các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn TP rất lớn, chủ yếu thuộc các lĩnh vực hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, cấp điện, thoát nước, giao thông kiệt hẻm...). Theo kế hoạch, đầu tư công trung hạn từ nay tới 2025, Đà Nẵng dự kiến cân đối tổng nguồn vốn bố trí hơn 53,7 ngàn tỷ đồng, trong đó số vốn bố trí cho các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư hơn 27,4 ngàn tỷ đồng, dự án nhóm C chiếm 15%. Khi thực hiện CQĐT chỉ còn một cấp ngân sách (trừ huyện Hòa Vang), các dự án trước đây do HĐND quận quyết định sẽ chuyển lên HĐND TP, áp lực rất lớn. Việc phân quyền quyết chủ trương đầu tư công nhóm C cho UBND TP là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

HẢI QUỲNH