Tăng trưởng GDP của Pháp dự kiến đạt 5,5% trong năm 2021

Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Sau một năm rơi vào suy thoái nghiêm trọng, hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng trở lại. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Pháp, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ đạt 5,5% vào năm 2021 và 4% vào năm 2022.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, Pháp hiện tỏ ra lạc quan hơn so với năm trước. Nếu vào tháng 12/2020, giới chức của Ngân hàng Trung ương Pháp dự báo GDP năm nay của nước này ước tăng khoảng 5%, thì nay được điều chỉnh lên 5,5%.

Giới phân tích kinh tế đặt hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu từ quý III năm nay.

Việc dỡ bỏ các biện pháp y tế sẽ thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình, động lực truyền thống của nền kinh tế Pháp. Nhu cầu của công chúng cũng sẽ được kích thích từ hoạt động đầu tư và kế hoạch kích cầu của chính phủ.

Đà tăng trưởng cũng sẽ tiếp tục cho đến giữa năm 2022 khi mức độ hoạt động sẽ trở lại mức được ghi nhận trước cuộc khủng hoảng vào tháng 12/2019.

Sau hiệu ứng bắt kịp đà tăng trưởng, nền kinh tế Pháp sẽ trở lại bình thường từ năm 2023.

Tất cả các thành phần của tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư tư nhân, nhu cầu công và ngoại thương) sẽ có tác động tích cực đến GDP trong các năm 2021, 2022 và 2023.

Những dự báo trên tuy được dựa trên các kịch bản thận trọng về tình hình cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ.

Sự bão hòa của các dịch vụ hồi sức ở một số vùng nhất định (Ile-de-France và Provence-Alpes-Côte d'Azur) và việc tái triển khai hoạt động hồi sức ở một số cơ sở cho thấy dịch bệnh vẫn chưa được kiềm chế mặc dù đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn có chủ đích.

Một năm sau khi thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế đối với nền kinh tế Pháp vẫn đang tiếp diễn theo thời gian.

Một số lĩnh vực vẫn hoàn toàn tê liệt và một số quốc gia láng giềng với Pháp như Đức hay Italy lại thắt chặt các biện pháp giãn cách vào cuối tuần trước.

Giới kinh tế Pháp cũng không loại trừ khả năng sự chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng ở các vùng lãnh thổ châu Âu và Pháp, việc ngừng cung cấp vắc xin AstraZeneca có nguy cơ làm sai lệch dự báo về tăng trưởng trở lại vững chắc ở châu Âu cũng như ở Pháp./.

Toàn Trí (P/v TTXVN tại Paris)