Tranh lụa Phật giáo đời Đường – Tống

FacebookEmail

Mục lục bài viết

1. Mở đầu
2. Tranh lụa Phật giáo đời Đường
3. Tranh lụa Phật giáo đời Tống
4. Kết luận

Tranh lụa Phật giáo đời Tống thấm nhuần chất Thiền với những gam màu nâu xám và mực được họa sĩ Lương Khải thể hiện bằng những đường nét giản dị, hùng vĩ nhưng bút phát thì lại phóng khoáng, siêu phàm, bạt tục trên bề mặt lụa.

Đại đức Thích Từ Quảng (Văn Minh Long)
Trụ trì chùa Thanh Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội

1. Mở đầu

Tranh lụa Phật giáo (PG) của hai triều đại nhà Đường và nhà Tống rất phong phú và đa dạng. Hai triều đại này PG rất cường thịnh, các chùa, các tự viện phát triển, các tông phái PG phát triển. Từ đây nền nghệ thuật hội họa PG được chú trọng để đáp ứng cho việc trang trí mỹ quan nội thất ở trong các chùa, viện ấy. Trong đó chủ yếu tập trung ở những tranh lụa về hình tượng các vị Phật, Bồ tát (BT), các vị Thánh giả A La Hán, các vị Thần kim cương, Hộ pháp.

Tranh lụa Phật giáo của đời Đường – Tống phần nhiều các họa sĩ đều dùng bút pháp công bút để vẽ. Với gam màu đạm hoặc màu lạnh, mực đậm nhạt là chính. Đường nét tinh tế mềm mại chi tiết được miêu tả rất kỹ lưỡng ở trong tranh.

Các họa sĩ của hai triều đại này vẽ lụa với lối nhuộm màu lên lụa rất thắm đượm, sử dụng mực và màu hòa quyện vào với nhau tạo nên những bức tranh với bản sắc tôn giáo của Đạo Phật đầy tinh thần nghệ thuật của nhà Thiền, sự giải thoát và tâm từ bi hỷ xả của các vị Phật, BT, Thánh giả A La hán…

Tranh lụa Phật giáo của hai triều đại này gồm có tranh Phật Thích ca, Phật Dược sư, Phật Di đà. Tranh BT gồm có BTQÂ, BT Địa Tạng và các vị BT khác… Tranh các vị A La hán và các vị thánh thăng, các vị Tổ sư, Thiền sư… Tranh các vị Thần kim cương, các vị Hộ pháp, Thiện thần…

La Hán (khuyết danh – Nam Tống)

La Hán (Triệu Lang – Nam Tống)

Ngoài ra còn có các loại tranh Thiền, tranh sơn thủy, vẽ các thiền viện, tự viện, các ngôi chùa…” ở trên núi non, nơi sơn cùng thủy tận, nơi chốn thanh tịnh cách biệt trần gian, siêu trần thoát tục, nơi các thiền sư, các ẩn sỹ tu hành.

2. Tranh lụa Phật giáo đời Đường

Đời nhà Đường (618 – 907) là triều đại vàng son nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến TQ. Tiếp nối nhà Tùy và các triều đại trước đó nên các lĩnh vực về nghệ thuật, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, kể cả chính trị quân sự đều phát triển.

“Sự thịnh trị đời Trinh Quán và đời thịnh Khai Nguyên của đời Đường, biểu hiện ở kinh tế phồn vinh, thủ công và thương nghiệp phát đạt, các dân tộc trong ngoài nước giao lưu, sáng tạo nền văn hóa nghệ thuật huy hoàng xán lạn, khiến triều nhà Đường phát triển lên đến cao điểm, thành nước lớn mạnh, giàu có văn minh rực rỡ thời bấy giờ” [1, tr.223].

Xã hội phong kiến Trung Hoa từ trước đó và mãi sau này đều không có được. Về tôn giáo thì đạo Phật lại càng phát triển, được coi là Quốc giáo. Các chùa, tự viện, các hang động, các đỉnh núi …. Các vua nhà Đường đều cho khắc, vẽ nhiều tượng, nhiều tranh Phật giáo.

Xã hội phồn thịnh chính trị, quân sự vững mạnh, Tôn giáo phát triển, Đạo pháp truyền khắp nhân gian. Do vậy nền nghệ thuật trong Phật giáo phát triển đạt đến đỉnh cao. “Họa đàn sơ Đường theo phong cách truyền thống Nam – Bắc bổ sung, cùng tôn nhau lên. Thịnh Đường là thời kỳ rực rỡ nhất của nền Mỹ thuật đời Đường ở phương diện họa Đạo (Phật) xuất hiện họa gia Ngô Đạo Tử giàu tinh thần cách tân” [1, tr. 229].

Đặc biệt nền hội họa và tranh lụa trong PG. Với nhiều họa sĩ sáng tác danh tiếng lừng lẫy như Diêm Lập Bản, Ngô Đạo Tử, Vương Duy, Lý Chiêu Đạo… để lại cho thế hệ sau những tuyệt tác.

Trong đó tranh lụa Phật giáo triều nhà Đường của thời kỳ sơ Đường và thịnh Đường, từ niên hiệu Đường Trịnh Quán với những đề tài như tranh lụa Phật Thích Ca Nâu Ni, Phật Dược sư, Phật Di đà… Các tranh lụa về các vị BT, phổ biến như QÂ, Địa Tạng… Tranh lụa các vị La Hán và Hàng Long La Hán, Phục Hổ La Hán của họa sĩ Lư Lăng Ca, các vị Hộ pháp, Chư thiên, Thiện thần…

Bố Đại Hòa thượng (Lương Khải)

Tranh lụa Phật giáo đời Đường thể hiện tính đường bộ trong phong thái và sự quý phái vương giả trong tiết tấu tạo hình. Lấy sự lộng lẫy, mượt mà đầy quyền uy của màu sắc. Lấy sự cương trực và cường tráng trong từng chi tiết, từng đường nét vẽ công phu mô phạm chuẩn mực trong từng gam màu, từng tiết tấu, thể hiện phong cách cung đình đã dung hòa với Tôn giáo, tạo thành sự trang nghiêm quy của của nền mỹ thuật.

Các vua nhà Đường rất yêu chuộng nghệ thuật và hội họa cho mời các họa sĩ danh tiếng lỗi lạc vào cung sáng tác và phong quan chức. “Thời kỳ Đại Đường hưng thịnh, PG phát triển, chịu ảnh hưởng của hình ảnh BT trang nghiêm, hùng vĩ và nghệ thuật PG, các tác phẩm điêu khắc hội họa cũng được tô điểm bằng hơi thở ấy. Đương nhiên, sự hiền từ của Phật gia và Đạo gia cũng ảnh hưởng đến vẻ đẹp nhẹ nhàng của mỹ thuật” [2, tr.770].

Đặc điểm nổi bật nhất của hội họa PG và tranh lụa Phật giáo đời Đường là đã tách lìa hẳn hình tượng truyền thống của PG từ Ấn Độ sang. “Ở hình tượng nhân vật, đã tách lìa hẳn hình tượng Tây Vực mà lấy mẫu từ các nhân vật chân thực các giới trong đời sống thực đời Đường, đem đến cảm thụ thẩm mỹ càng thân thiết hơn đối với người xem TQ” [3, tr.151].

Tranh lụa Phật giáo thời nhà Đường gắn liền với hội họa tranh lụa cung đình triều nhà Đường và gần với tác phong hội họa đời nhà Hán. Nền hội họa PG đời Đường và hội họa cung đình của triều đại này song hành với nhau. Thúc đẩy giá trị nghệ thuật của hội họa đi lên đỉnh cao, làm nền tảng chuẩn mực cho các giá trị nghệ thuật hội họa các triều đại sau này. Đây cũng là “Phương diện thúc đẩy hội họa PG dân tộc hóa, xác lập hình thức hội họa dân tộc” [3, tr.151].

3. Tranh lụa Phật giáo đời Tống

Đời Tống chính trị và quân sự không được vững mạnh như đời Đường. Do vậy triều đại nhà Tống đã bị phân chia ra thành Nam Tống và Bắc Tống, gọi là “Lưỡng Tống”.

Từ thời kỳ thứ nhất vào năm 960 – 1126, thời kỳ thứ 2 vào năm 1127 – 1279: “Đặc điểm triều Tống đã hiện diện trong phôi thai suốt cuối thời kỳ nhà Đường. Tuy vậy đời sống ở nhà Tống hầu như không giống nhà Đường” [26, tr.430].

Nền nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, phát triển xã hội không ổn định bằng thời đại nhà Đường. Tư tưởng Khổng giáo ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp xã hội “Tư tưởng tân Khổng giáo” nhưng PG và Lão giáo vẫn là trật tự đạo đức và chuẩn mực cho quần chúng.

“Nền mỹ thuật đời Tống cũng hoàn toàn khác biệt sâu xa với nền mỹ thuật đời Đường. Tính cách giản dị và kiềm chế được thay thế bằng sự lộng lẫy như là những giá trị thẩm mỹ then chốt” [4, tr. 432]. Thời đại nhà Tống nền nghệ thuật hội họa phát triển rực rỡ. Là thời kỳ vinh quang cho nền hội họa PG TQ, hội họa mang đậm bản sắc chất liệu Thiền Tông.

Với các họa sĩ vẽ tranh lụa danh tiếng như Phạm Khoan, Mã Viễn, Hạ Khuê, Lương Khải, Lý Tung, Lưu Tùng Niên… Thời đại này Học viện hội họa được sáng lập: “Đời Tống sáng tạo học viện hội họa đầu tiên ở Đông Á. Những học viện khác nối tiếp, nhưng một học viện được hình thành bởi Hoàng đế – họa sĩ Huệ Tông là biểu mẫu đầu tiên của họ” [4, tr.432].

Duy Ma Thiên nữ (Lý Công Lân)

Tranh lụa Phật giáo đời Tống thấm nhuần chất Thiền với những gam màu nâu xám và mực được họa sĩ Lương Khải thể hiện bằng những đường nét giản dị, hùng vĩ nhưng bút phát thì lại phóng khoáng, siêu phàm, bạt tục trên bề mặt lụa.

Từ những tác phẩm của những câu chuyện Thiền Tông PG, trong “Bát Cao Tăng Cố Sư Đồ”, Như Tăng Thần Quang tham vấn Thiền với Đạt Ma Tổ Sư Diện Bích “Đạt Ma Diện Bích Thần Quang tham vấn”, “Hoằng Nhẫn đồng thân đạo phụng tưởng tẩn”, “Bạch Cư Dị Củng Yết Ô Sào chỉ thuyết” … Đây là những tác phẩm nổi tiếng của Lương Khải vẽ tranh lụa với đề tài sinh hoạt của các Thiền sư ở trong chốn Thiền môn.

Giữa nhân vật cỏ cây núi rừng, sông nước, thiên nhiên và con người như hòa nhập vào cùng một hể, một gam màu “Thiền” đạm bạc, với những đường nét miêu tả chi tiết từ đơn giản đến cụ thể. Nét mực có đậm, có nhạt, có thanh có hùng, âm dương hòa quyện vào như sự đạt ngộ của cảnh giới Thiền, giữa con người Tâm và vũ trụ bao la đến nhất như “Thiên – Địa – Nhân”.

Đối lập với Lưu Tùng niên trong tác phẩm tranh lụa “La Hán đồ” với những đường nét mềm mại thanh mảnh, màu sắc nóng ấm, điểm ít gam màu lạnh, mô tả các vị Thánh giả A La hán. Cách xây dựng bố cục và đường nét, màu sắc trong tranh lụa của Lưu Tùng Niên rất uyển chuyển dịu dàng khoan thai của cảnh giới thiền định, của lối sinh hoạt tu tập của các vị La Hán khác với các vị Tổ sư, các vị Thiền sư của Lương Khải.

Tranh lụa Phật giáo của đời Đường và đời Tống có nhiều đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Có thể là từ hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng đến một phần của sự sáng tác của các danh họa sư của hai triều đại này.

Triều đại nhà Đường thanh bình thịnh trị, xã hội phồn thịnh, Đạo pháp hưng hiển. Từ đấy tác phẩm của hội họa từ nhân vật trong tranh đến bố cục gam màu cũng rất tú lệ hòa nhã thanh tao, quý phái thượng mỹ.

Xã hội thời Tống có phần nhiễu nhương, chia cắt Đạo đời đan xen, các Đạo gia, các Thiền sư đi về quy ẩn với thiên nhiên núi rừng nơi núi cao, nơi nước biếc, hòa nhập với thiên nhiên ẩn mình vào vũ trụ. Thì tác phẩm của triều đại này cũng vậy, sắc màu và nhân vật cùng với cỏ cây hoa lá trong tranh như hòa nhập cùng vào nhau với cùng một gam màu thanh đạm, trong sắc liệu của Thiền gia, Đạo sỹ.

Xã hội thời đại nhà Tống được thể hiện rõ trong tác phẩm kinh điển văn học Trung Hoa đó là Thủy Hử của Thi Nại Am. Các anh hùng xung pha cùng với chiến cuộc, với giang sơn xã tắc. Thắng bại tranh hùng, công danh cái thế một thời. Nhưng cuối đời cũng quy ẩn với non sông tú lệ quay về nương náu chốn thiền môn thanh bình tĩnh tại với non thiêng nước biếc để tu dưỡng chí nguyện “xuất trần thượng sỹ”. Không còn dấn thân với chiến trường quân trận đầy khổ đau của gươm đao máu lửa. Cuối cùng hòa nhập với cảnh giới “Vô vi, tịch diệt”.

Thiên nữ Hiến hoa (Lưu Tùng Niên)

4. Kết luận

Từ giá trị tâm linh và tinh thần nghệ thuật, giữa cái Chân – Thiện – Mỹ, triều nhà Đường – Tống ở Trung Hoa là hai triều đại thành công rực rỡ đạt đến mức thang cao nhất của lĩnh vực mỹ thuật.

Đặc biệt triều đại nhà Đường từ mua vua quan dân chúng, tăng tục… đều ưa chuộng cái đẹp, tôn vinh danh giá hội họa và các giá trị nghệ thuật khác. Trong đó hội họa PG vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Nền mỹ thuật PG của hai triều đại này là một phần quan trọng nhất trong những thành tựu của giá trị mỹ thuật Trung Hoa. Nền hội họa của Trung Hoa nói chung và nền hội họa của triều đại Đường – Tống nói riêng thì giá trị của tranh lụa vẫn giữ vị trí tối cao.

Trong đó có nền hội họa của PG ở hai triều đại này, với nhiều đề tài mang đậm bản chất tôn giáo và dân tộc thì tranh lụa được các họa sĩ là những bậc thầy danh họa của hai triều đại này sáng tác và để lại cho cuộc đời và những thế hệ sau học hỏi, chiêm ngưỡng.

Những bậc thầy họa gia này đã hấp thu thực hiện và tiếp nhận kinh nghiệm của nền hội họa các triều đại trước đó và phát huy sáng tạo để làm chuẩn mực, mô phạm cho giá trị nghệ thuật hội họa sau này.

Tinh hoa của nền mỹ thuật Đường – Tống đã nằm trong nền mỹ thuật Phật giáo của hai triều đại này. Từ các trường phái, các ngành mỹ thuật khác nhau nhưng vẫn không ra ngoài nền mỹ thuật tôn giáo và mỹ thuật cung đình. Giữa nền mỹ thuật cung đình và mỹ thuật PG là sự gắn liền, tương quan chặt chẽ lẫn nhau đã tạo thành nền mỹ thuật Đường – Tống.

Đại đức Thích Từ Quảng (Văn Minh Long)
Trụ trì chùa Thanh Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội

***

Tài liệu tham khảo
1. Nhất Như, Phạm Cao Hoàn (biên dịch) (2003), Đồ điển mỹ thuật Trung Quốc, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
2. Dương Lực (2002), Kinh điển văn hóa 5000 năm Trung Hoa, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
3. Michael Kampen O’Riley (biên dịch Phan Quang Định) (2005), Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội.
4. Sherman E.Lee (Trần Văn Huân biên dịch) (2007), Lịch sử mỹ thuật Viễn Đông, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.