Chế Lan Viên (1920 -1989), sinh ra tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông đỗ thành chung, nhưng sau đó thôi học để đi dạy tư kiếm sống. Ông là ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Chế Lan Viên cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V và VI, ủy viên Ban văn hóa - giáo dục của quốc hội.
Cuộc đời và sự nghiệp thi ca của Chế Lan Viên đi từ cái riêng tư đến cái chung của dân tộc, sau đó, lại đi vào cái riêng tư, nhưng lúc này, là đi sâu vào triết luận, trăn trở về cuộc sống, về kiếp người.
Vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên -Vũ Thị Thường cùng hai con (Ảnh tư liệu).
Chế Lan Viên làm thơ lúc hơn 10 tuổi, năm 17 tuổi, xuất bản tập thơ Điêu tàn, được nhiều người đánh giá cao, được Hoài Thanh đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam, với lời đánh giá: “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”.
Nhiều người nhận xét thơ Chế Lan Viên là thơ tư tưởng bởi những suy ngẫm sâu sắc trong mỗi câu thơ của ông. Tuy nhiên, đây là lối thơ sau này của ông, khi đất nước đã hòa bình, còn trước đó, thơ Chế Lan Viên là ma mị, là ở cõi khác, nỗi sầu bi, luyến tiếc.
Và chính ông, cũng tự nhận mình với tư cách là nhà thơ khác lạ như vậy: “Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại. Nó xáo trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai. Người ta không thể hiểu được vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng, những cái vô nghĩa hợp lý”.
Chế Lan Viên đã để tuổi trẻ và thơ ca của mình đi theo một lối suy tư bí hiểm. Có lẽ vậy, mà sau, ông cùng Hàn Mặc Tử tạo ra “Trường thơ loạn”. Chúng ta có thể hiểu từ “loạn” ở đây là sự hỗn mang trong suy tư, trong hành động, đó là sự bao trùm lên tất cả. Cũng có thể đó là một sự phá phách vào nên thơ mang tính ước lệ cổ điển bấy lâu, hoặc là cách chơi trội khác lạ so với những thi sĩ đương thời.
Có lẽ với tư tưởng trên, mà từ tựa đề bài thơ, đến các đoạn thơ trong bài ở tập Điêu tàn đều gây nên niềm kinh dị cho người đọc.
Này chiếc sọ người kia, mi hỡi!
Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi trông mong ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?
(Cái sọ người)
Cũng với lối suy tư bí hiểm đó, mà Chế Lan Viên, khi tuổi dưới đôi mươi, đã có những mong muốn táo bạo đến phi lý:
Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi lại não lòng tôi!
(Những sợi tơ lòng)
Hồi còn “điêu tàn”, thơ Chế Lan Viên luôn viết về những dĩ vãng, cõi mơ mộng, đau đớn; tuy nhiên vẫn nói lên được tâm tư của một chàng trai đời thực bấy giờ, vô hướng, và không biết trôi đi về đâu, cư mơ màng, ảo não. Chúng ta bị ám ảnh bởi những việc gạch tháp Chàm, về quá khứ của Chiêm Thành. Chế Lan Viên viết Điêu tàn như thể ông từng là con cháu của đế chế Chiêm Thành xưa kia.
(Infographics TTXVN)
Sau này, khi tham gia cách mạng, Chế Lan Viên đã sống, đã cảm nhận cùng nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống giặc. Vì vậy, thơ Chế Lan Viên cũng mở lòng ra với mọi người, không còn bí hiểm, điêu tàn. Nhưng không vì thế, mà giọng điệu ông bị lạc đi.
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.
(Người đi tìm hình của nước)
Đó là những câu thơ vào loại hay khi viết về Bác Hồ. Chế Lan Viên đã viết về Bác Hồ bằng tấm lòng thành kính, cũng như đã mường tượng ra được nỗi lòng của vị lãnh tụ ra đi tìm đường cứu nước. Và theo lối đó, là những câu thơ về quê hương, đất nước thật đẹp.
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
(Tiếng hát con tàu)
Hai câu “Khi ta ở, chi là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!” từ lâu đã trở quen thuộc đối với những người có tấm lòng với vùng đất đã từng có dấu chân mình. Nó vừa giản dị, vừa đẹp, vừa thơ. Và sau này, trong rất nhiều bài thơ chưa in của Chế Lan Viên lúc sinh thời, độc giả bắt gặp ở ông những bài thơ mang tính triết luận cao, mà những nhà thơ không sâu sắc, không chiêm nghiệm đủ đời sống sẽ không thể viết được.
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
(Tháp Bay-on bốn mặt)
Với những cống hiến lớn lao cho văn học nghệ thuật, Chế Lan Viên thường được mọi người ca tụng là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (1996).
(*Loạt bài tôn vinh các cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh)