Tượng Nữ thần Tự do ở Sapa: Du lịch thiếu bản sắc?

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước tượng Nữ thần Tự do được đặt tại một khu du lịch tự mở của người dân ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Ngay sau khi hình ảnh tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa được đăng tải trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đánh giá bức tượng rất thiếu thẩm mỹ, hài hước, tựa như một "phiên bản lỗi" của bức tượng thật ở Mỹ. Người gay gắt hơn cho rằng, cách làm du lịch hiện nay thiếu bản sắc, dẫn tới phải sao chép kiểu lai căng như vậy.

Trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ quan điểm, bức tượng trên đặt trong không gian cá nhân nên dù nó là tượng gì đi chăng nữa, miễn là người ta dựng nó lên với mục đích trong sáng, không động chạm đến tín ngưỡng, chính trị thì không có vấn đề gì và không đáng phải "ném đá", bàn luận.

Điều cần quan tâm hiện nay là việc xây dựng điểm check-in có quy hoạch chưa, có được cấp phép hay không...?

Tượng "Nữ thần Tự do" phiên bản gây nhiều tranh cãi xuất hiện ở Sa Pa. Ảnh: NLĐ

"Khi làm du lịch, người ta luôn muốn có cái gì khác lạ để thu hút du khách. Thế nhưng, bài toán đầu tiên đối với du lịch là thiếu một quy hoạch tổng thể không gian của từng địa phương và của cả đất nước, phần nào làm du lịch và định hướng làm gì; phần nào phát triển văn hóa, công nghiệp...

Khi đã có quy hoạch rõ ràng về không gian và tổ chức ở đó thì cứ theo đó mà làm. Còn trong khu vực đất của người dân, họ làm tượng Nữ thần Tự do hay tượng gì là việc của họ, miễn là không động chạm đến những vấn đề nhạy cảm", ông Vũ Hoài Phương nhận xét và cho rằng, đây là câu chuyện quản lý nhà nước về mặt tổ chức không gian và rất có thể sẽ lại có những bức tượng bị chê thiếu thẩm mỹ khác được dựng lên ở nhiều nơi khác.

"Việc này sẽ không thể giải quyết triệt để nếu không có quy hoạch rõ ràng", ông nhấn mạnh.

Cho rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, song Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho biết, trước đây, cũng có không ít công trình du lịch gây tranh cãi lúc ban đầu, nhưng sau lại trở thành nơi hút khách nổi tiếng.

Công trình "Ngôi nhà quái dị" (Crazy House) hay biệt thự Hằng Nga ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là một ví dụ. Công trình rộng gần 2.000 m2, được khai trương vào năm 1990 liên tục trở thành điểm đến gây sốt và được nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài ghé thăm. Công trình kỳ quặc này cũng lọt top các ngôi nhà độc đáo, ấn tượng, thậm chí còn được bình chọn là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Đà Lạt du lịch.

Nội thất của tòa nhà bao gồm hang động, hành lang, cầu thang đều được thiết kế quanh co, kỳ quặc không theo bất cứ phong cách đặc trưng nào. Giữa các tòa nhà là những mấu cây, rễ cây, mạng nhện chằng chịt... được làm bằng bê tông và dây kẽm. Các phòng nghỉ trong biệt thự đều mang những cái tên độc đáo như: con kiến, phòng kangaroo, phòng con gấu, phòng quả bầu, phòng chim trĩ... và đều có thể phục vụ khách muốn nghỉ lại qua đêm.

Ban đầu, khi biệt thự này được xây dựng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, không ít ý kiến gay gắt rằng những kiến trúc kỳ quái không phù hợp với phong cảnh vốn có của Đà Lạt, phải đập bỏ càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, cho đến nay, biệt thự Hằng Nga lại trở thành một điểm du lịch có tiếng của Đà Lạt. Trên các trang du lịch, review về Đà Lạt, hầu hết du khách nước ngoài đều phản hồi rất tốt, bày tỏ sự thích thú trước kiến trúc độc đáo, kỳ lạ của tòa nhà.

Bởi vậy, ông Vũ Hoài Phương cho rằng, đối với những cái gì kỳ lạ, bao giờ người ta cũng sẽ hiếu kỳ và tới xem, đồng thời có thể có những phản ứng tức thời như chê bai, phản đối...

Đối với bức tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa, theo ông cần phải tỉnh táo và bình tĩnh xem nơi đặt có đúng không, có phản cảm không, có phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh không... sau đó mới xem xét đến phong tục, tập quán và các yếu tố khác.

Riêng với câu chuyện bản sắc khi làm du lịch, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ quan điểm, một bức tượng không nói lên điều gì nếu chúng ta có bản sắc thực sự, còn nếu không có bản sắc thì không cần tới khi bức tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa xuất hiện mới cho thấy rõ thực trạng ấy.

"Tại sao công viên Disneyland được xây dựng tại nhiều quốc gia ở châu Á nhưng nó không làm mất đi bản sắc của các quốc gia ấy? Ở đây vẫn là câu chuyện quy hoạch và cách tổ chức thực hiện.

Muốn biết du lịch Việt Nam có bản sắc hay không, bản sắc ấy là gì và như thế nào, tôi nghĩ tốt nhất nên hỏi khách du lịch nước ngoài", ông Phương nói.

Liên quan đến bức tượng Nữ thần Tự do gây xôn xao trên mạng xã hội, UBND thị xã Sa Pa, Lào Cai đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định chủ đầu tư của khu check in trên là của Công ty TNHH AnSaPa ở tổ 4, phường Phan Si Păng. Khu check in có diện tích 1,7 ha (trong đó 300 m2 đất ở, còn lại là đất rừng sản xuất).

Tại đây, chủ đầu tư đã và đang cho xây dựng rất nhiều các hạng mục công trình để phục vụ khách du lịch. Trong đó đáng chú ý có bức tượng bán thân "Nữ thần tự do" (kích cỡ 7 m x 9 m), mô hình tháp Eiffel (cao 9 m), hình ảnh 4 vị Tổng thống Mỹ (phiên bản núi Rushmore), mô hình tháp nghiêng Pisa (cao 8 m), dòng chữ biểu tượng "Hollywood", mô hình hai bàn tay đang trong quá trình xây dựng (cao 2 m)...

Sau khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan chức năng xác định điểm check in AnSaPa là tự phát, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo các điều kiện để đón khách du lịch tham quan và chụp ảnh. Các mô hình mỹ thuật đã xây dựng trong khu check in không đảm bảo quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn về mỹ thuật.

Từ đó, UBND thị xã Sa Pa yêu cầu chủ cơ sở tạm dừng việc xây dựng các hạng mục và không được đón khách tham quan, chụp ảnh cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan chức năng. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu xử lý điểm du lịch này theo quy định của pháp luật.

Thành Luân