Vội vã vào xứ Thanh

Bệnh viện giờ này đang khám cho BN chưa vào được. Ăn sáng đã! Đồng đội Khanh bảo. Khanh gọi thêm Nguyễn Hữu Liên; Nguyễn Thắng, Nguyễn Trọng Phán là đồng đội CCB Tầu đến ăn sáng và cùng vào thăm Thuyền trưởng.

Quái phở bò Thanh Hóa thịt nhiều hơn bánh thế nhỉ? Nuớc phở thơm mùi gừng, mùi thảo quả. Béo, đậm đà như tình đồng đội .

Cụ Thuyền trưởng và hai lính thủy, ảnh chụp năm 2018.

Vào bệnh viện, đi thang máy lên tầng 3. Bệnh viện sạch sẽ, sáng sủa khang trang, đặc biệt người nằm điều trị, người khám không " Đông như quân Nguyên" như ở bệnh viện Hà Nội. Đứng trước cửa phòng Cụ. Cô y sỹ bảo:

- Các ông ra căng tin uống nước ngồi chờ, 11 giờ mới được vào thăm ạ!

Các CCB tầu không số Thanh Hóa và tác giả thăm Thuyền trưởng.

Lão liếc đồng hồ. Bỏ mẹ! Chờ 2 tiếng nữa cơ à?

Các CCB Thanh Hóa chỉ tôi, nài nỉ cô y tá:

- Ông đây nghe tin cụ Thuyền trưởng TKS ốm nằm điều trị ở đây, vội đi từ Hà Nội vào thăm đấy! Cháu cho các ông vào vài phút thôi!

Cô bác sỹ có vẻ là trưởng khoa cương quyết:

- Giờ này là giờ làm thuốc, không vào được ông ạ!

Lão xoay người nhìn thẳng cô bác sỹ đeo khẩu trang chỉ hở đôi mắt, nói một câu vu vơ:

- Cô này có đôi mắt đẹp nhỉ!

Câu nói vu vơ lại có hiệu quả ngay. Cô bác sỹ bảo:

- Mỗi ông vào một lần, không quá 2 phút nhé!

Lão cười, nói cảm ơn cháu! rồi khoát tay. Cả 4 ông hiên ngang tiến vào phòng bệnh.

Con tàu không số do Hải quân Mỹ chụp trên đường chở hàng vào miền Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.

Cụ thuyền trưởng đang nằm thiêm thiếp trên giường, thấy khách đến thăm vội mở mắt!

- Chào thủ trưởng! Lão cao giọng! Quân Hà Nội vào thăm thủ trưởng đây!

Cụ chống tay định nhỏm dậy, lão vội đỡ cụ bảo:

- Thủ trưởng cứ nằm!

Cụ Thuyền trưởng nói:

- Ngồi vẫn được. Bác sỹ bảo phải vận động nhẹ, không được nằm nhiều.

Lão ôm cụ, cụ xiết tay chặt hơn phía lưng lão. Đồng đội giơ điện thoại chụp tấm hình" thủ trưởng 87, lính 70".

Con gái cụ mượn ghế của giường bên cạnh cho các CCB ngồi. Cụ ốm mà nói oang oang như đang đứng trên đài chỉ huy tầu giữa biển khơi. Mấy anh em người Thanh Hóa bắt tay cụ, nhìn tôi giải thích:

- Nói to là đặc sản của Thanh Hóa ông ạ!

Buồng bệnh như cái chợ vỡ.

Lão giơ tay lên miệng suỵt suỵt ra hiệu nói nhỏ.

Cụ cười hề hề:

- Người Thanh Hóa không nói nhỏ được như người Hà Nội chú ạ! Trên khuôn mặt gày rộc giãn ra, nụ cười mãn nguyện khi có thằng lính cũ từ Thủ Đô vào thăm.

Cụ chỉ mấy đồng đội đi cùng hỏi:

- Mi ở chô mô?

Anh Khanh cười:

- Chúng em vừa vào thăm thủ trưởng hôm trước, thủ trưởng quên rồi à?

Cụ Thuyền trưởng cười, trả lời giọng lãnh đạo:

- Trông quen quen!

Ha ha! Bệnh tuổi già!

Thế rồi cụ quên mình là bệnh nhân, quên cả đau, cụ nói, cụ kể, cụ giơ tay, cụ phất bên trái, cụ chỉ bên phải như đang chỉ huy con tầu không số quần nhau với máy bay, tầu chiến Mỹ khi xưa.

Cụ đã 3 lần đưa tầu vào miền Nam thành công. Với đoàn tầu không số chiến công chỉ được tính khi chuyến hàng đó được bốc lên bờ giao cho đồng bào miền Nam. Rất nhiều chuyến tầu đi rồi bị địch bắn chìm, hoặc phải tự hủy tầu, hoặc gặp địch phải quay về bến không được ghi " Đã hoàn thành nhiệm vụ"

Cụ chỉ Lão, khoe với mấy cụ bệnh nhân giường bên:

- Chú này là lính sinh viên, nhập ngũ 1972. Về tầu tôi say sóng, bò như giun nhưng tinh thần cao, không bỏ ca. Tốt, tốt lắm!

- Chú ấy đi với tôi 2 chuyến vào miền Nam. Một chuyến đi cuối năm 1971 sát tết, đầu năm 1972 về. Chuyến này phải thả hàng ở Cảng CÔ KONG của CPC. Một chuyến đầu năm 1973 vào cảng Cửa Việt, ngày tạm đình chiến. Lão vội cải chính:

- Em không đi chuyến thả hàng ở CPC. Tháng 10/1972 em mới về tầu anh mà!

Cụ cười khì khì, khuôn mặt rạng rỡ chẳng ai nghĩ cụ bị bệnh trọng.

Tôi lại nhớ ngày vừa về tầu. Cụ và anh Thủy thủ trưởng dẫn tôi đi chỉ dẫn công việc. Cụ ăn to nói lớn, tính nóng như lửa. Cụ chỉ cái nút đỏ ở buồng lái bảo:

- Khi gặp địch, nếu chiến đấu mà không thoát được, Thuyền trưởng phải bấm vào đây cho nổ tầu. Hai là đâm thẳng tầu mình vào tầu địch. Tầu mình làm bom cảm tử. Tầu mình nổ, tầu nó cũng chìm theo. Tôi ngớ ngấn hỏi:

- Thế mình cũng chết tan xác à?

Cụ quắc mắt:

- Xuống mà hỏi Hà bá ấy. Cụ luôn gán cho bọn lính sinh viên chúng tôi là TIỂU TƯ SẢN.

Cụ thuyền trưởng ra quân năm 1981 với quân hàm thượng úy. Cụ về để đi biển đánh cá kiếm tiền nuôi 6 đứa con. 75 tuổi cụ vẫn đi biển. Cụ là " người con của biển cả"

5 phút cô bác sỹ cho vào thăm biến thành 40, 45 phút. Cụ cười, cụ nói, cụ hỏi. Vừa hỏi xong lại hỏi lại, kiểu đặc trưng của người già. Cụ vui lắm, niềm vui của ngọn đèn bền bỉ cháy 87 năm, đã cạn dầu.

Chia tay cụ, cụ bịn rịn bảo Lão dìu ra ngoài phòng: " Cho Anh ra ngoài đó cho thoáng"

Cụ bắt tay tạm biệt chúng tôi, cụ gửi lời thăm cô Ngân vợ Lão. Tôi hứa với cụ sẽ cùng vợ vào thăm cụ. Cụ rân rấn:

- Ít nhất mi phải vào với tau một lần nữa! Mắt tôi cay sè, tôi hiểu ý cụ: " ít nhất cũng là vào dự dám tang cụ".

Với các CCB thời đánh Mỹ, mỗi sáng tỉnh giấc họ biết đã có một ngày hữu ích đi qua và ngày " ấy" đang đến!

Năm nay mùa đông rất lạ. Giờ này Thanh Hóa vẫn chưa lạnh.

Thanh Hóa ngày 15/12/2023.

T.H.Q

Trái tim người lính

CCB Tống Hồng Quân