Xem phi công Ukraine phóng tên lửa chống bức xạ từ tiêm kích MiG-29

Theo Insider, trong ngày 30/8 (giờ địa phương), không quân Ukraine đã đăng một video lên Twitter, cho thấy việc sử dụng tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM trên tiêm kích MiG-29. Đây là lần đầu tiên Ukraine chính thức xác nhận sử dụng loại vũ khí này trong các cuộc giao tranh.

Đoạn video do không quân Ukraine đăng tải được quay bằng máy quay Go Pro, cho người xem được thấy trực tiếp góc nhìn của một phi công lái máy bay chiến đấu. Trước khi khai hỏa cả 2 tên lửa, phi công của chiếc MiG-29 đã nhìn về phía phần cánh của máy bay, thể hiện rõ rằng vũ khí được trang bị là AGM-88 HARM.

Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM. Ảnh: US Army

Vào đầu tháng 8, những bức ảnh được cho là thuộc về loại tên lửa chống bức xạ của Mỹ đã xuất hiện trên các mạng xã hội. Khoảng 1 tuần sau đó, Lầu Năm Góc xác nhận các tên lửa HARM đã được chuyển tới Ukraine như một phần của các gói viện trợ quân sự.

HARM được triển khai lần đầu năm 1983, dài 4,3m, nặng hơn 360kg, có tầm bắn 48km, và vận tốc đối đa Mach 2 (2.450 km/giờ). Tuy không có khả năng công phá quá lớn, nhưng nếu được phóng trước khi một cuộc không kích diễn ra, chúng có thể ngăn chặn hệ thống phòng không và dọn đường an toàn cho máy bay chiến đấu.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, tên lửa chống bức xạ là một vũ khí tâm lý. HARM không hoàn toàn vô hiệu hóa hệ thống radar của Nga, nhưng có thể khiến các nhà điều khiển radar phải thận trọng và chọn lọc hơn khi truyền tín hiệu.

Việt Dũng