Xử lý hành vi đưa thông tin thất thiệt về tình hình thị trường xăng dầu

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa có công văn yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhằm ổn định trật tự, chống đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật về giá; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trường hợp xuất hiện các doanh nghiệp phân phối, cửa hàng, đại lý bán lẻ dừng bán hàng thì phải kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân (từ các khâu cung ứng, phân phối đến bán lẻ...) để đề xuất các giải pháp chỉ đạo đúng và sát với thực tế của tình hình.

Phân công công chức trực tại địa bàn được giao quản lý, kể cả ngày nghỉ, dịp lễ để tiếp nhận thông tin, tin báo, phản ánh về hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời nắm bắt các thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội nhằm phát hiện các thông tin thất thiệt liên quan đến mặt hàng xăng dầu, các thông tin đi ngược lại quan điểm chỉ đạo, điều hành của Nhà nước nhằm gây ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, để đầu cơ, găm hàng, trục lợi...

“Kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp với Công an các địa phương tổ chức xác minh, kiểm tra hoặc chuyển cơ quan Công an điều tra các hành vi đưa thông tin thất thiệt, không đúng sự thật về tình hình thị trường xăng dầu để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau yêu cầu.

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, qua 3 ngày theo dõi diễn biến tình hình cung cầu xăng dầu và phản ánh của UBND các huyện, thành phố, các thương nhân phân phối xăng dầu, và thương nhân bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, hiện nay nguồn cung xăng dầu đặc biệt là dầu D.O rất hạn chế.

Một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đóng cửa, treo bảng hết xăng. Ảnh chụp ngày 29/8.

Đồng thời, mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ là không đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong thời gian tới. Theo báo cáo của các thương nhân phân phối hiện nay nguồn hàng chỉ đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ được từ 3- 5 ngày.

Để đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, Sở Công Thương Kiên Giang báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật và ngày Lễ, Tết, không làm tăng độ trễ của thị trường, trong lúc đang biến động.

Bên cạnh đó, có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong giá cơ sở từ thương nhân đầu mối, hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ nhằm ổn định trong hệ thống phân phối xăng dầu góp phần phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Nhật Huy - Tân Lộc