Xử lý nghiêm người nước ngoài ngang nhiên trồng cần sa giữa Thủ đô

Tuy nhiên, hiện đang đã xảy ra tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với nhiều danh nghĩa khác nhau nhằm mục đích hoạt động phạm tội.

Mới đây, ngày 05/6/2021, Công an phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện một người nước ngoài là Frederic Tiberghien (sinh năm 1966), quốc tịch Pháp, tạm trú và làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lavie Vũ Linh, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, trồng 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34 kg trên diện tích khoảng 3.000 m2 khu vực bãi giữa sông Hồng và thu giữ 40,268 g cần sa khô.

Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật Trường Sơn

Liên quan đến quy định xử lý người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật Trường Sơn, cho biết tại Khoản 2 Điều 5 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định: "Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao".

Như vậy, có 02 khả năng giải quyết vấn đề vi phạm của đối tượng Frederic Tiberghien, cụ thể:

Khả năng thứ nhất: Nếu thuộc diện ngoại giao thì sẽ xử lý theo con đường ngoại giao

Khả năng thứ hai: Nếu không thuộc diện ngoại giao, sau khi xác minh, điều tra, nếu có đủ chứng cứ thì hành vi của đối tượng Frederic Tiberghien có 2 loại hành vi cần xử lý, đầu tiên là hành vi trồng cây cần sa, thứ hai là tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cây cần sa được đối tượng người nước ngoài trồng tại bãi giữa sông Hồng, thủ đô Hà Nội (Ảnh: cand.com.vn)

Thứ nhất: Về hành vi trồng cây cần sa

Tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 247 Bộ luật hình sự quy định về tội trồng cây cần sa như sau:

Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây

Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo thông tin xác minh ban đầu, nếu mở rộng xác minh, điều tra, có đủ chứng cứ theo Điều 247 Bộ luật Hình sự thì hành vi trồng cây cần sa của đối tượng Frederic Tiberghien sẽ bị khởi tố và xét xử về tội trồng cây cần sa. Nếu chứng cứ chưa đủ theo Điều 247 Bộ luật hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Thứ hai: Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định việc xử phạt hành chính hành vi tàng trữ ma túy như sau:

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm pháp luật còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này.

Theo Luật gia Trần Thị Oanh, trong quá trình xử lý, nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đối tượng Frederic Tiberghien có thể bị xử lý hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy quy định tại Điều 249, đồng thời, tùy thuộc mức độ vi phạm, đối tượng có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 37 Bộ luật hình sự./.

Anh Tuấn