Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Thượng tôn pháp luật!

Không chỉ xử lý nghiêm vi phạm, CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan. Sự ra quân quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng CSGT thực sự đã tạo ra nhiều chuyển biến trong suy nghĩ cũng như thói quen của nhân dân. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về quyết tâm của Bộ Công an trong việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Phóng viên: Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy được lực lượng CSGT thực hiện thường xuyên, liên tục từ năm 2022 đến nay chứ không chỉ qua các đợt cao điểm. Lý do nào dẫn đến việc cần thực hiện nhiệm vụ này xuyên suốt, liên tục, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Quang Huy: Qua theo dõi tình hình TTATGT, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tới TNGT, tập trung vào các nguyên nhân chính là: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm về tốc độ và vi phạm về chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng. Chính vì vậy, từ năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT đã tập trung kiên quyết, xử lý rốt ráo những vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, trong đó, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma túy của người lái xe. Điều này đã tạo được những dấu ấn, tạo tác động tích cực đến đời sống xã hội, đang dần tạo được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bột phát do uống rượu như giết người, cố ý gây thương tích, dâm ô, hiếp dâm...

Đại tá Phạm Quang Huy: Việc xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của mọi người.

Việc đảm bảo TTATGT được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo công tác này. Điển hình, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23 thay thế Chỉ thị số 18 về bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Trước đó, trong tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 về bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, trong đó đặt ra rất cụ thể, rất chi tiết những nội dung, nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, đưa ra mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông đối với cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, từng bước tạo dựng được ý thức, thói quen và xây dựng văn hóa của người tham gia giao thông.

Mới đây nhất, ngày 21/9, trong Thông báo số 388 của Văn phòng Chính phủ thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành chức năng, trong đó, giao Bộ Công an duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn và kiểm soát tải trọng.

Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục nhằm tăng tính tuyên truyền, tạo thói quen tốt là đã uống rượu bia thì không lái xe, dần hình thành một nét văn hóa trong tham gia giao thông.

Phóng viên: Trong Chỉ thị số 10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông; nghiêm cấm lực lượng chức năng xuê xoa, bỏ qua xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Bộ Công an đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Quang Huy: Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, các điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục CSGT đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện. Trong đó, lực lượng của Cục xử lý trên các cao tốc, đường thủy, đường sắt. Ngoài ra, Cục CSGT đã tăng cường các tổ công tác phối hợp với công an các địa phương thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm, đặc biệt chú trọng tới vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Theo đó, từ ngày 30/8/2023 đến ngày 30/9/2023 các tổ công tác của Cục CSGT đã triển khai ở 45 địa phương, phối hợp với Phòng CSGT, công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực tổ chức 214 ca kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đã trực tiếp kiểm soát 122.609 phương tiện gồm 67.787 xe ô tô, 54.822 xe mô tô và xe máy điện, xe 3 bánh. Phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý 4.329 trường hợp vi phạm gồm 1.035 xe ô tô, 3.277 xe mô tô, 16 xe máy điện, 1 xe ba bánh; xử lý 4.132 trường hợp vi phạm nồng độ cồn gồm 997 ô tô, 3.139 mô tô, 15 xe máy điện, 1 xe ba bánh; 41 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn gồm 12 ô tô, 28 mô tô, 1 xe máy điện; 19 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy; 9 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa; 131 trường hợp vi phạm khác.

Qua xác minh nhanh tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận 192 trường người vi phạm là cán bộ, công chức, công an, bộ đội... Đối với những trường hợp này, chúng tôi đã gửi thông báo về cơ quan, đơn vị người vi phạm để xử lý theo quy định. Những trường hợp còn lại, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tiếp tục xác minh, làm rõ để gửi thông báo.

Quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho công an địa phương khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép; 2 vụ chống người thi hành công vụ, khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; củng cố 1 vụ gây rối trật tự công cộng. Ngoài xử phạt hành chính, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Cán bộ Công an tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho người dân.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Vậy nếu đã xử phạt vi phạm hành chính rồi, tại sao còn báo về đơn vị công tác để xử lý theo quy định của cơ quan, của Đảng, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Quang Huy: Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ thị cũng chỉ rõ việc nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ.

Nghị quyết 149/NQ-CP của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới cũng nêu rõ: "Phải siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng". Trong Thông báo số 388 của Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh lại nội dung này.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với lái xe.

Việc xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của người dân; cũng không còn cảnh cán bộ, công chức say rượu cự cãi với CSGT, làm xấu hình ảnh của cán bộ, công chức trong mắt người dân. Sự bình đẳng trong xử lý sai phạm sẽ củng cố hơn nữa lòng tin của người dân đối với lực lượng CSGT nói riêng và Nhà nước nói chung. Đồng thời, góp phần lập lại kỷ cương, chấn chỉnh lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Bộ Công an, Cục CSGT có những biện pháp gì để tiếp tục đảm bảo TTATGT trong thời gian tới?

Đại tá Phạm Quang Huy: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công an tiếp tục có những giải pháp mạnh nhằm giữ gìn TTATGT, kiềm chế TNGT. Cục CSGT sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ để kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn, kiên quyết khởi tố những hành vi chống người thì hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm không có ngoại lệ, Bộ Công an không cấm uống rượu bia ngoài giờ làm việc, nhưng khi đã uống rượu bia thì không được lái xe vì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ cho bản thân người lái mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác gây mất TTATGT, trật tự xã hội để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, văn hóa giao thông bị méo mó xâm hại, làm thiếu thiện cảm trong mắt bạn bè quốc tế; ngoài gây TNGT, người uống rượu bia điều khiển phương tiện còn dễ dẫn đến lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, gây rối trật tự công cộng, đánh chửi nhau...

Bên cạnh đó, điều quan trọng là sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT, quyết tâm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 388 của Văn phòng Chính phủ và Điện số 76 của Bộ Công an.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thủy (Thực hiện)