Bình Định: Năm 2023, cấp mới 27 giấy phép khai thác khoảng sản

Theo thông tin từ UBND tỉnh ình Định cho biết, trong năm 2023 địa phương cấp 15 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 14 Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, 27 Giấy phép khai thác khoáng sản, 20 Quyết định gia hạn khai thác, 11 Quyết định điều chỉnh, bổ sung giấy phép khai thác khoáng sản, 15 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, 3 Quyết định cho phép trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản.

Cũng trong năm 2023, tỉnh Bình Định cấp 20 Bản xác nhận đăng lý khu vực, công suất khối lượng mỏ vật liệu cho các nhà thầu phục vụ công trình cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định.

Cộng với số lượng giấy phép được cấp trước đó, Bình Định có 138 tất cả giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, hoạt động tập trung 4 loại khoáng sản chính là đá xây dựng, đá khối làm đá ốp lát, cát xây dựng và đất san lấp.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Định cấp mới 27 giấy phép khai thác khoáng sản.

Trong đó có 132 giấy phép do UBND tỉnh Bình Định cấp phép gồm: 51 Giấy phép đá xây dựng, 35 Giấy phép khai thác cát, 3 giấy phép khai thác cát trong quá trình nạo nét khơi thông dòng chảy, 40 Giấy phép đất san lấp và 3 Giấy phép đất sét. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 6 giấy phép gồm: 3 Giấy phép khai thác đá ốp lát, 2 Giấy phép khai thác titan và 1 Giấy phép nước khoáng nóng.

Cùng đó, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu được đến ngày 30/11/2023 là 58,558 tỉ đồng, đạt 100,1 % dự toán năm 2023 và tăng 53,6% so với cùng kỳ. Số tiền thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản đã thu được đến ngày 30/11/2023 là 101,3 tỉ đồng, bằng 68,9% so với cùng kỳ và bằng 60,7% so với số thu cả năm 2022.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng hơn 22% so với cùng kỳ, đạt khoảng 850 tỉ đồng, trong đó nguồn thu ngân sách Nhà nước từ khai thác khoáng sản (chưa tính chế biến và xuất khẩu khoáng sản) tăng do có hoạt động trở lại của một số mỏ titan và khai thác từ các mỏ vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm và cao tốc Bắc – Nam đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản. Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng liên quan khẩn trương hoàn thành hệ thống giám sát khai thác khoáng sản lắp camera được kết nối từ camera tại các khu vực khai thác của các doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng (kể cả cơ quan Công an) và UBND cấp huyện, xã nhằm phục vụ công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác vượt công suất, khai thác ban đêm.

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường theo quy định. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và UBND cấp huyện kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đối chiếu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế với sản lượng kê khai thuế để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo đúng quy định pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ các dự án khai thác khoáng sản có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng; đồng thời tổ chức kiểm tra, thanh tra việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản. Chủ động đề xuất các nội dung liên quan đến việc khai thác cát lòng sông; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất việc nạo vét, thu hồi cát đối với lòng hồ chứa, các công trình thủy lợi, đập dâng đảm bảo an toàn các công trình.

Yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện đúng các nội dung yêu cầu trong giấy phép khai thác khoáng sản, các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo tải trọng trong quá trình vận chuyển khoáng sản và thời gian khai thác; thực hiện việc lắp đặt trạm cân theo dõi tải trọng, camera giám sát để kết nối với các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện, xã nơi có mỏ để theo dõi, quản lý theo quy định.

PV