'Chấn hưng' có là từ khóa của năm Rồng?

Năm 2023, từ “authentic” (xác thực) được nhà xuất bản từ điển lâu đời của Mỹ chọn là “từ khóa” của năm. Lý do xuất phát từ thực trạng: khi công nghệ AI mở ra khía cạnh mới cho kỹ thuật số và truyền thông xã hội thì lại có rất nhiều tin sai, tin giả. Năm trước (2022) thì từ khóa là “gaslighting” - thao túng tâm lý người khác. Đúng với “hoang mang style” của đại dịch. Chơi chữ kiểu Tây có nét hay. Nó gọi tên vấn đề gì hay nhất, cần nhất, nổi bật nhất, đáng quan tâm nhất.

Mà thật ra người Việt cũng đã biết “dùng chữ” lâu rồi. “Sát thát”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Không gì quý hơn độc lập - tự do”… đã dẫn dắt, làm điểm tựa cho bao gian khổ hy sinh chống ngoại xâm gìn giữ độc lập để có Tổ quốc toàn vẹn hôm nay.

Con người xây dựng nền văn hóa của mình theo nhiều cách mới. Đang là thời sự nóng: Ca sĩ ngôi sao Taylor Swift được báo chí viết “có phải cô ấy là hình ảnh thu nhỏ của America?”. Cô là nhân vật của năm. “Music industry” là từ ẩn dụ cho thành công của cô cả về mặt tinh thần lẫn tiền bạc. Một show lưu diễn sinh lợi 5,7 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ. Không xa hoa, không nói lời sấm, rất tự nhiên dễ gần nhưng “đã thật sự cưỡi trên làn sóng công nghệ”. Người khắp thế giới biết cô ấy.

Ở một chiều kích khác cũng rất đáng nói, đó là dù có thể “xem cả thế giới” hiện đại như vậy nhưng các video trên YouTube về những cuộc diễu binh, về đoàn quân nhạc Việt Nam đi thi quốc tế hay chỉ là cuộc biểu diễn quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Nguyễn Huệ với những bản nhạc quen thuộc thì lượt người xem (view) vẫn rất cao. Nhiều ý kiến cho rằng khi nghe lại những giai điệu “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”, “Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”, “Việt Nam yêu dấu xanh xanh lũy tre, suối đổ về sông qua những nương chè…”... lại thấy nhớ thương bao miền quê, bao người đã chấp nhận hy sinh gian khổ, thậm chí đã ngã xuống... Và sẽ chạnh lòng tự hỏi: Ta sống hôm nay đã xứng với ngày xưa? Sao ngày xưa ấy gian khổ và giáp mặt với cái chết nhưng không ai phải nghĩ nát óc vì tiền như hôm nay…

Phải chăng nơi mỗi con người đều có những lớp trầm tích văn hóa để neo giữ tâm hồn?

Khi nền văn hóa nước nhà bị tổn thương

Nền văn hóa Việt Nam có những đặc điểm gì? Câu trả lời đó là nền văn hóa hình thành từ nền tảng văn minh lúa nước, nó đề cao truyền thống và giá trị gia đình; yêu nước, ý thức quốc gia dân tộc mạnh mẽ; thích ứng và tiếp biến với văn minh nhân loại.

Những kiến thức cơ bản học từ bé trong nhà trường ấy nay vẫn đúng và nhiều khía cạnh đã phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn kinh tế vươn lên thị trường, ra với nhân loại tiến bộ. Văn hóa rộng mở, con người ao ước văn minh, trí tuệ, hạnh phúc và đạo đức.

Ảnh: Nguyễn Thành Luy

Ngày trước, trong cuộc chiến tranh chống phát xít có chuyện ông thầy không phải người Do Thái nên được tha chết. Nhưng ông không nỡ buông tay những học trò Do Thái đang sợ hãi bíu chặt thầy. Và ông đã cùng chúng đi vào lò thiêu! Ngày nay cũng có bao chuyện nhân văn như thế: sự hy sinh thầm lặng cứu người trong đại dịch, nhà khoa học phát minh vaccine phòng ngừa Covid-19 đã tặng bản quyền cho nhân loại... Ở Việt Nam, đội ngũ thầy thuốc và những người tổ chức chống dịch đã hết lòng tận hiến; người dân tự phát đi cứu trợ... Lại có chuyện ông Tây bị kẹt lại Sài Gòn trong đại dịch, khốn khó đến nỗi phải ra đường xin tiền, nhưng vài ngày sau ông phải xin mọi người đừng cho nữa vì đã nhận được quá nhiều. Văn hóa “cho đi” của người Việt thật mạnh mẽ.

“Đùng một cái” sau đại dịch lòi ra nhiều vụ án “khủng”. Quy mô và cách “vận hành” của tội ác khiến ta kinh ngạc. Hết Việt Á rồi “Chuyến bay giải cứu” - nhiều kẻ tính toán ăn trộm ngay lúc nhân dân khốn khổ nhất, phải chạy loạn về Tổ quốc lúc nguy nan sống còn. “Khủng” không chỉ vì số bị cáo nhiều, số tiền khủng mà còn vì khi ra tòa những tên trộm có chức quyền ấy đã bộc lộ nhiều nét kỳ dị về văn hóa của loài người. Nắm giữ quyền cao, chức trọng, có học hành, có bằng cấp, có qua đủ nấc học tập rèn luyện khi quy hoạch nhưng những kẻ ấy khi ra trước vành móng ngựa hết lẩy Kiều lại nói “không phân biệt nổi đâu là cảm ơn, đâu là hối lộ tham nhũng”.

Rồi vụ Vạn Thịnh Phát tiếp theo những “chuyện lạ” khiến dân thường khó hiểu: “ngoạm được cả ngân hàng”, biến nó thành công cụ của mình để thao túng! Khoản tiền triệu tỷ - con số to quá, người dân không hình dung được. Tiền “ăn cắp” được chở kìn kìn trên những chuyến xe tải như người ta chở rau.

Không chỉ tham nhũng mà còn nhiều tiêu cực xã hội đã và đang làm ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin vào cuộc sống của bao thế hệ.

Trách cô ca sĩ nhưng ta phải… nghĩ

Ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý gây ồn ào và bị phê phán vì đã phát ngôn gây sốc: “Văn hóa không thể bảo tồn được vì không liên quan đời sống hiện tại…”! Nhưng cũng chính cô ca sĩ ấy đã “cháy vé” khi biểu diễn những bài ca cổ của người Việt đủ các dân tộc tại Hà Nội. Cũng chính cô đã khen các ca khúc văn hóa dân tộc ấy “đẹp lung linh, làm giàu cho chúng ta về vốn văn hóa trên quê hương mình”. Cô sai vì đã quên văn hóa có hai phương diện: bảo tồn và tiếp biến.

Nhưng sau các phê phán đó, ta phải nghĩ một thực tế “lãng quên truyền thống” quá nhanh hiện nay do có công nghệ để tiếp cận trong một thế giới VUCA (4 chữ đầu tiếng Anh nghĩa là phức tạp, mơ hồ, biến động, không chắc chắn). Thế giới được gọi là “thời đại bất kính”, “thời đại không có trí nhớ”. Việc này chưa qua, việc khác đã che khuất. Thời đại dư thừa thông tin, nhiều tin giả, ai cũng là “nhà báo” tự sản xuất thông tin trên web, blog, Facebook… ảnh hưởng tới con người và đặt ra nhiều thách thức về văn hóa. Đó là điều cần suy nghĩ.

Phải chấn hưng từ đâu?

Hiểu nôm na là “làm cho hưng thịnh”. Và nó thường diễn ra khi xã hội “có vấn đề lệch lạc cần sửa chữa”. Muốn chấn hưng văn hóa để xây dựng con người phải nhìn nhận cái gì chưa tốt đã cản trở sự phát triển, tiến bộ. Phục hưng châu Âu mạnh mẽ thoát ảnh hưởng của phong kiến kìm hãm để tạo bước nhảy vọt làm cơ sở cho nền móng phát triển tới hôm nay. Và nhờ rất nhiều vào trí thức, văn nghệ sĩ.

Nhìn lướt lịch sử cho ta thấy những chấn hưng văn hóa vì yếu tố con người phải khai mở từ nhận thức, lấy văn hóa làm nền tảng, làm tư tưởng xuyên suốt các chính sách từ kinh tế, văn hóa, đối ngoại.

Nước ta thời Lý - Trần có “Tam giáo đồng nguyên” tạo sự ổn định, nhất trí trong con người Việt Nam. Đầu thế kỷ XX trong bế tắc bị xâm lược, các sĩ phu tìm con đường chấn hưng văn hóa, xuất hiện phong trào “Đông Kinh Nghĩa Thục” - cuộc cách mạng xã hội và đó cũng được coi như cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở nước ta. Duy tân Phan Chu Trinh với chấn hưng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" để chống lại khủng hoảng văn hóa, lối sống, đạo đức.

Đề cương Văn hóa năm 1943 xác định “dân tộc, khoa học, đại chúng"…

Nhìn lướt lịch sử cho ta thấy những chấn hưng văn hóa vì yếu tố con người phải khai mở từ nhận thức, lấy văn hóa làm nền tảng, làm tư tưởng xuyên suốt các chính sách từ kinh tế, văn hóa, đối ngoại. Nó là bước ngoặt làm thay đổi xã hội mà cốt lõi là xây dựng con người văn hóa.

UNESCO khóa này vừa chọn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là nhân vật. Họ lựa chọn giá trị nào muốn thúc đẩy? Đó là tấm gương con người khoa học, học tập - nghiên cứu - sáng tạo và tấm lòng hy sinh vì con người. Nhà y dược học vĩ đại để lại những tác phẩm đồ sộ trong tàng thư y học, y đức nhân văn, nhà thơ văn tư tưởng, "Y thánh Việt Nam". Điều này thật đáng suy nghĩ trong bối cảnh ở xứ ta đang có câu “hễ trong nhà có một người mắc bệnh nặng là gia đình trở thành hộ nghèo".

Nói lan man để cuối cùng muốn nhấn mạnh văn hóa Việt Nam hiện nay có 9 nội dung phải "chấn hưng": nhân cách con người; môi trường văn hóa; nâng hiệu quả tuyên truyền giáo dục; bảo tồn - phát huy giá trị; phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số; ứng dụng thành tựu công nghiệp văn hóa; phát triển nhân lực; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Năm Rồng đến. Ước mong văn hóa nước nhà hóa rồng vươn cao và từ “Chấn hưng“ sẽ ghi dấu sự thành công của nhiều năm tiếp theo.

Nguyễn Thị Ngọc Hải