Công ty CEO High School tuyển sinh lớp 10, sự im lặng khó hiểu của Sở Giáo dục

Phần 1: Chuyện lạ Hà Nội: công ty cổ phần (CEO High School) rầm rộ tuyển sinh lớp 10

Phần 2: "Vỏ" CEO High School, ruột là "Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão"

Phần 3: Cận cảnh "trường cấp 3 đào tạo doanh nhân từ 15 tuổi" học phí 200 triệu đồng/năm

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài về hoạt động tuyển sinh vào lớp 10 một cách công khai của Công ty cổ phần Hệ thống giáo dục CEO Việt Nam High School, tên thường gọi là “Hệ thống giáo dục CEO High School”/"CEO High School", nhiều độc giả theo dõi chi tiết các bài viết và thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này.

Đồng thời, dư luận cũng đặt câu hỏi, CEO High School rầm rộ công khai quảng bá về chương trình “Đào tạo doanh nhân tuổi 15”, liệu rằng chương trình này của CEO High School phải đảm bảo yêu cầu gì mới được đưa vào trường phổ thông?

Chương trình "đào tạo doanh nhân tuổi 15" đang được CEO High School quảng cáo rầm rộ. Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục (đề nghị không nêu tên), cho biết:

“Trước hết, những việc liên quan đến dạy và học chương trình trung học phổ thông thì chỉ có các trường học mới có thể nhân danh chủ thể pháp lý về mặt giáo dục để công bố những việc này. Tất cả những pháp nhân khác ngoài trường học thì đều không được phép.

Còn riêng về việc tuyển sinh thì dù các trường trung học phổ thông được cấp chỉ tiêu tuyển sinh cũng không được phép ủy quyền lại chỉ tiêu ấy cho một đơn vị nào khác tuyển sinh "hộ".

Bởi với một trường trung học phổ thông tư thục thì từ chủ tịch hội đồng quản trị đến hiệu trưởng nhà trường đều phải được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại khu vực trường đó đóng chân ra quyết định công nhận mới được phép hoạt động.

Hiểu đơn giản, giáo dục là một ngành nghề đặc biệt và có điều kiện, một nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, đầy đủ nhân sự điều hành, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt cho việc tuyển sinh nhiều lúc còn không tránh khỏi sai sót trong quá trình tuyển sinh.

Vậy thì làm sao dám cho một tổ chức khác không phải là nhà trường, không được cấp phép và không hiểu gì về bản chất của việc tuyển sinh lại đi tuyển sinh được?

Không những thế, đã mang pháp nhân là trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão thì chỉ có trường Phạm Ngũ Lão mới có quyền phát ngôn. Không một cá nhân hoặc tổ chức nào khác ngoài nhà trường ấy đủ thẩm quyền nhân danh rằng, trường đó tôi sẽ điều hành, rồi có thể tuyển sinh với chỉ tiêu bao nhiêu, rồi chương trình học của tôi gồm những gì, mức học phí và kế hoạch đào tạo ra sao.

Bởi vì, việc điều hành bộ máy hoạt động hoặc cơ cấu nhân sự đến và đi như thế nào, cán bộ đó có được làm việc trong trường hay đủ tiêu chuẩn giảng dạy hay không là phải do ngành giáo dục của địa phương ấy cho phép.

Cụ thể ở đây thì trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão đang chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, mọi hoạt động liên quan đến tuyển sinh, dạy và học thì trước hết phải được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội thông qua trước đã. Một cá nhân, tổ chức ở đâu đó ngoài trường vào tự xưng là tuyển sinh cho trường là không ổn rồi”.

"Nếu ban lãnh đạo trường Phạm Ngũ Lão không đủ năng lực quản lý thì nên giải thể trường học, không nên "nhờ" hoặc ủy quyền tuyển sinh", chuyên gia nhấn mạnh. Ảnh: Trung Dũng

Nêu ý kiến về chương trình “đào tạo doanh nhân tuổi 15” đã được CEO High School quảng cáo là do mình viết ra và dự kiến sẽ đưa vào phổ biến trong năm học 2021 - 2022, chuyên gia này nhận định:

“Trong trường hợp một công ty muốn đưa vào trường trung học một chương trình giáo dục thì việc đầu tiên là phải thành lập ra một trung tâm làm mẫu trước đã. Trong trung tâm này cần phải có đầy đủ các bộ phận từ giám đốc đến đội ngũ nhân viên.

Sau đó, chương trình giáo dục của trung tâm này bắt buộc phải được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội kiểm định xem có đủ tiêu chuẩn và phù hợp với lứa tuổi 15 tuổi này hay không. Sau quá trình thử nghiệm, đánh giá mức độ thì mới được đăng lên quảng cáo rộng rãi và cho đưa vào áp dụng triển khai đại trà.

Công ty đó hoàn toàn có thể tổ chức chương trình đào tạo cho người lớn với một chương trình nào đó bất kỳ, nhưng với độ tuổi này (15 tuổi – phóng viên) nếu công ty đó đưa vào triển khai một chương trình giáo dục mà chưa được Sở Giáo dục thẩm định thì không được phép.

Đó chỉ là khía cạnh với một công ty ở ngoài, còn việc để đưa một chương trình giáo dục khác ngoài chương trình Trung học phổ thông Quốc gia được Bộ Giáo dục cho phép vào trong nhà trường thì còn khắt khe hơn gấp nhiều lần.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều trường dạy song song hai chương trình. Có nhiều chương trình giáo dục dù đã được quốc tế công nhận rồi, nhưng khi để đưa vào trường học phổ thông ở Việt Nam thì Sở Giáo dục cũng phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để thẩm định và đưa ra các đề án. Rồi còn phải qua nhiều lần thử nghiệm xem nó có phù hợp với điều kiện của các trường hay không. Mất rất nhiều công đoạn như thế thì sau đó mới được Sở cấp phép cho đưa vào giảng dạy.

Nêu lên như vậy để chúng ta có thể đưa ra phép so sánh rằng, chương trình "đào tạo doanh nhân tuổi 15" của CEO High School chưa rõ thực hư là đã được công nhận hay chưa. Nếu không có quản lý, hứng lên công ty này lại đưa thêm một vài chương trình nữa vào giảng dạy mà không cần xin phép hay sao. Việc đưa vào trường các chương trình một cách xuề xòa thì nhìn vào nhà trường đâu khác gì… cái chợ”.

Về nguyên tắc khi quảng cáo một chương trình giáo dục trung học phổ thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chuyên gia này cho biết:

“Dù có là chương trình giáo dục có tầm cỡ quốc tế hay trong nước thì yêu cầu bắt buộc là phải có giấy phép thẩm định của Sở Giáo dục rồi mới được quảng cáo công khai.

Thậm chí, công ty sở hữu chương trình đó cũng cần phải công khai cả các quyết định thẩm định đó lên mạng xã hội để cho các phụ huynh lấy cơ sở xác thực. Nếu chưa được cấp phép mà công ty đó vẫn cố tình làm thì có khác gì “cầm đèn chạy trước ô tô”, cố tình làm sai luật.

Nói tóm lại, trong sự việc này nếu CEO High School không minh chứng được chương trình “đào tạo doanh nhân tuổi 15” là đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thẩm định và cấp phép thì về mặt pháp lý công ty này đang sai hoàn toàn. Kể cả việc tuyển sinh 175 chỉ tiêu kia, dù có được trường Phạm Ngũ Lão “nhờ” hay ủy quyền tuyển sinh đi nữa thì Công ty cổ phần Hệ thống Giáo dục CEO Việt Nam High School cũng không đủ thẩm quyền làm việc đó.

Trường không đủ năng lực điều hành, không giải quyết được khâu tuyển sinh thì có thể “giải thể”, chứ không thể có chuyện bỏ cho một tổ chức khác vào điều hành”.

Pháp luật quy định chủ tịch hội đồng tuyển sinh lớp 10 là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, chứ không phải giám đốc doanh nghiệp. Ảnh tư liệu.

Ngoài ra, khi đọc qua bài viết “Cận cảnh "trường cấp 3 đào tạo doanh nhân từ 15 tuổi" học phí 200 triệu đồng/năm” mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, chuyên gia này cũng nêu nhận định về việc đặt tên “Hệ thống giáo dục CEO School” dưới tên “Trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão” trên cùng một bảng hiệu và cùng kích cỡ tại cổng chính là cách làm có vấn đề.

Chuyên gia này cho biết: “Trong khoản 3 điều 5 (tên trường, biển tên trường), Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT đã có quy định chi tiết về điều này.

Như vậy, nếu đối chiếu việc pháp nhân riêng của trường Phạm Ngũ Lão mà phải gắn thêm cụm tên của CEO High School rõ ràng là sai nhưng các lãnh đạo ở đây vẫn để nó ngang nhiên tồn tại là thể hiện cho việc ban lãnh đạo của ngôi trường này yếu về chuyên môn, không nắm rõ về điều lệ trường Trung học và không đủ năng lực điều hành”.

Đáng nói, trong quá trình thực hiện loạt bài phản ánh về hoạt động tuyển sinh vào lớp 10 của công ty cổ phần Hệ thống giáo dục CEO Việt Nam High School, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với các lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để làm rõ thêm về vấn đề này nhưng không nhận được phản hồi.

Việc đặt tên như trên cổng trường Phạm Ngũ Lão là sai so với Điều lệ trường Trung học cũng được chuyên gia này nhắc tới. Ảnh: Trung Dũng

Trước đó, khi liên hệ với Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chúng tôi cũng nhận được trả lời rằng, các nội dung phóng viên muốn làm việc cần phải liên hệ với Văn phòng Sở Giáo dục để được phân công bộ phận trả lời.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với Văn phòng Sở Giáo dục thì được hướng dẫn là cần gửi giấy giới thiệu cùng nội dung làm việc để được bố trí. Tuy nhiên, tính từ thời điểm chúng tôi cung cấp các giấy tờ cho bộ phận Văn phòng đến nay đã hơn 15 ngày làm việc nhưng vẫn chưa thấy động thái hồi âm nào từ phía Sở Giáo dục Hà Nội.

Chúng tôi cũng đã liên hệ, phản ánh các vấn đề xung quanh hoạt động tuyển sinh lớp 10 của CEO High School và "chương trình đào tạo doanh nhân từ 15 tuổi" đến Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì được hướng dẫn liên hệ qua Văn phòng Sở, vì muốn phát biểu gì với báo chí cũng cần thông qua lãnh đạo Sở.

Nêu quan điểm về trách nhiệm của Sở Giáo dục địa phương khi cơ quan báo chí phản ánh về hiện trạng tuyển sinh của 1 trường trung học phổ thông trên địa bàn mà Sở này đang quản lý, chuyên gia này nhận định:

“Với vai trò là quản lý hệ thống các trường trung học phổ thông trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cần vào cuộc ngay để xác minh và chấn chỉnh ngay những trường hợp mà báo chí phản ánh.

Đồng thời, cần có các thông báo sớm trên các phương tiện truyền thông công khai để tránh việc phụ huynh bị hiểu nhầm. Ngoài ra, cũng cần cho kiểm tra ngay thực trạng của Trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão, vì trên nguyên tắc khi cấp chỉ tiêu tuyển sinh thì cần căn cứ vào những năm trước trường đó có tuyển sinh được hay không. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường có đảm bảo cho việc vận hành và hoạt động của nhà trường hay không.

Đặc biệt, khi phóng viên đã có phản ánh một số nội dung liên quan đến phạm vi mà Sở quản lý thì cần có các biện pháp xác minh và thông tin nhanh đến báo chí. Như vậy, mới tạo được lòng tin vào sự quản lý minh bạch, rõ ràng của cơ quan quản lý giáo dục của Hà Nội”.

Trung Dũng